Table of Contents
Bạn chưa biết hoặc mới chỉ nghe nói về MacBook hàng MDM. Bài viết này sẽ giải thích cho bạn biết MacBook MDM là gì? Việc sử dụng MacBook dính MDM mang lại những rủi ro như thế nào và nhiều thông tin hữu ích mà bạn nên tìm hiểu.
Hãy theo dõi thật kỹ lưỡng các vấn đề được nêu ra trong bài viết của GhienCongNghe dưới đây trước khi đi sắm cho mình một chiếc MacBook nhé.
MacBook MDM là gì?
MDM là viết tắt của cụm từ “Mobile Device Management”, nó có nghĩa là “quản lý thiết bị di động”.
MDM là một chương trình được thiết kế cho mục đích quản lý và cấu hình các thiết bị trong tổ chức (công ty, doanh nghiệp hay trường học). MDM được cài đặt trên các thiết bị mà tổ chức đó cấp phát cho các cá nhân sử dụng trong công việc hay học tập.
Và MacBook MDM chính là những chiếc MacBook được cài đặt chương trình Mobile Device Management (MDM) do các công ty, doanh nghiệp đặt hàng theo hợp đồng với Apple.
Những chiếc MacBook MDM sẽ được gán một dãy số serial đặc biệt giúp Apple xác minh thiết bị này thuộc về tổ chức nào.
Và khi máy MDM được kích hoạt sử dụng, máy sẽ yêu cầu đăng nhập tài khoản của tổ chức hoặc công ty đó để tự động tải và cài đặt phần mềm theo cấu hình định sẵn của tổ chức đó.
Do đó, với MacBook hàng MDM này, người dùng có thể sẽ không thể chỉnh sửa các thiết lập có sẵn trong máy hoặc sử dụng một cách bình thường như những chiếc MacBook bán chính hãng ngoài thị trường.
MacBook MDM hoạt động như thế nào?
Khi sử dụng máy dính MDM, chương trình DEP (Device Enrollment Program) sẽ kiểm tra MacBook có thuộc sở hữu và chịu quản lý bởi công ty nào không thông qua số Serial có trên MacBook.
Nếu có thì MacBook sẽ hiển thị thông báo trên màn hình “Allow Device Enrollment” để người dùng thực hiện đăng nhập tài khoản công ty để sử dụng và nhận cấu hình cài đặt từ tổ chức này.
Lưu ý: Thông báo này sẽ thường xuyên xuất hiện cho đến khi nào người dùng MacBook thực hiện đăng nhập thành công tài khoản công ty lên máy.
Apple Mobile Device Management (MDM) cho phép tổ chức, công ty định cấu hình cài đặt MacBook trực tuyến bằng cách gửi cấu hình và lệnh đến thiết bị cấp cho nhân viên.
MDM có thể cập nhật và cài đặt phần mềm từ xa. Giám sát và theo dõi vị trí của các thiết bị của tổ chức. Không chỉ vậy, MDM còn giúp xóa hoặc khóa MacBook từ xa nếu như thấy có dấu hiệu xâm nhập trái phép.
Ngoài ra, MacBook hàng công ty còn bị hạn chế việc cài đặt và sử dụng một số phần mềm nhất định. Việc cài đặt phần mềm bên ngoài cần thông qua máy chủ giám sát của công ty.
Có nên mua MacBook MDM không?
MacBook MDM trên thực tế được nhiều người quan tâm tìm hiểu do tình trạng máy gần như mới, còn thời gian bảo hành, cấu hình cao với giá thành rẻ hơn đáng kể so với máy chính hãng.
Điều quan trọng là bên bán phải cung cấp đầy đủ thông tin MacBook là hàng MDM để người mua có quyền cân nhắc các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng MacBook hàng công ty này.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc dùng MacBook MDM “mạo hiểm” không kém gì việc dùng iPhone bằng tài khoản iCloud của người khác.
Ngoài phiền phức liên quan đến thông báo hiện lên thường xuyên về việc nhắc nhở người dùng đăng nhập vào tài khoản công ty, người dùng có thể gặp phải nguy cơ mất dữ liệu, bị khóa máy bất kỳ lúc nào.
Một số nơi rao bán MacBook hàng MDM với lời mời quảng cáo hỗ trợ máy trọn đời, nhưng khi gặp phải vấn đề, người mua sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất, có thể là thời gian, dữ liệu quan trọng hay có thể là vứt bỏ máy hoàn toàn.
Với đặc thù là thiết bị chuyên biệt được cấp cho nhân viên của công ty. Việc MacBook MDM xuất hiện trên thị trường mua bán mang nhiều nghi ngờ về nguồn gốc.
Có khả năng chúng được tuồn trái phép ra ngoài hoặc hàng bị đánh cắp sau đó được bán. Việc chúng ta mua loại hàng MDM cũng vô tình tiếp tay cho những hành động bất chính này.
Ngoài ra, nhiều nơi lợi dụng chuyện người mua không am hiểu, đã cố tình giấu đi thông tin máy “dính” MDM và bán với giá như máy chính hãng.
Để nhận biết MacBook có phải hàng MDM không? Có 2 cách để có thể kiểm tra.
Cách đầu tiên là hãy thực hiện khôi phục lại cài đặt gốc (Restore) MacBook và thực hiện thiết lập hồ sơ người dùng tại màn hình “Hello”. Nếu máy xuất hiện thông báo Remote Management thì đây là hàng MDM.
Ngoài ra, bạn có thể mở phần mềm Terminal trên macOS và gõ lệnh sau:
profiles status -type enrollment
Kết quả sẽ trả về 2 dòng lệnh sau:
- Enrolled via DEP
- MDM enrollment
Nếu tất cả đều hiển thị là No thì hãy tạm an tâm đây là hàng không “dính” MDM nhé.
Đây chỉ là một trong những nội dung cơ bản mà bạn nên biết khi tìm hiểu MacBook MDM là gì và cách thức hoạt động của nó ra sao? Có ảnh hưởng gì đến việc sử dụng máy tính hàng ngày của bạn không?
Tùy thuộc vào nhu cầu riêng của bạn, chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên là bạn nên mua hay không nên mua MacBook hàng MDM.
Nếu thấy bài viết này hay và hữu ích, hãy dành tặng cho GhienCongNghe một Like & Share để nhiều người được biết đến chúng tôi hơn nữa nhé.