Table of Contents
Tính năng này hiện được phổ biến rộng rãi trên điện thoại Android với mục đích giúp việc xem những thông tin quan trọng thuận tiện, nhanh chóng hơn cho người dùng. Nhưng chính xác thì Always On Display là gì? Always On Display có nhược điểm gì không? Bạn có nên sử dụng nó hay không? Qua bài viết sau đây, GhienCongNghe sẽ giúp bạn hiểu cặn kẽ tính năng này nhé.
Always On Display là gì?
Always On Display là một tính năng cho phép hiển thị một lượng thông tin nhất định khi thiết bị di động ở trạng thái ngủ. Tính năng này hiện được sử dụng rộng rãi trên các mẫu smartphone Android mới, còn có tên gọi khác như Active Display hoặc Ambient Display tùy cách gọi của từng hãng điện thoại.
Theo giới thiệu của Samsung, những thông tin được hiển thị trên Always On Display bao gồm đồng hồ, lịch ngày tháng, thông báo, cuộc gọi nhỡ, vv. Ngoài ra, tính năng này có thể thay thế hoặc hoạt động song song với đèn LED thông báo trên điện thoại.
Không chỉ smartphone, một số đồng hồ thông minh (smart watch) cũng được trang bị Always On Display như Fitbit Versa 2, Samsung Galaxy Active, và Amazfit Bip.
Những hãng điện thoại nào đang dùng Always On Display
Nokia là hãng điện thoại đầu tiên dùng tính năng này vào năm 2009 với chiếc Nokia N86. Sau đó, tính năng được dần mở rộng ra các dòng điện thoại Symbian khác với màn hình AMOLED vào năm 2010, bao gồm Nokia N8, Nokia C7, Nokia C6-01, và Nokia E7.
Nokia đưa tính năng này thành tiêu chuẩn trên các dòng điện thoại Windows của mình từ năm 2013 khi mà nhiều người còn chưa biết Always On Display là gì. Sau đó, tính năng này xuất hiện trên smartphone của các hãng khác như Oppo với những dòng chạy hệ điều hành ColorOS 11, Huawei với Moto G, LG với dòng V60, V40, V35, V30, G5, G6, và G7, Google với nhiều mẫu từ Pixel 2 đến Pixel 5. Samsung cũng áp dụng tính năng này trên rất nhiều dòng smartphone của mình từ tầm trung đến tầm cao bao gồm dòng Galaxy A, Galaxy Note.
Tính năng Always On Display có tốn pin không?
Always On Display là gì và có hao pin không? Nói một cách ngắn gọn thì có, thử nghiệm thực tế cho thấy tính năng này tiêu hao thêm 1-3% pin mỗi giờ sử dụng.
Để hạn chế nhược điểm trên, Samsung bổ sung thêm cảm biến tiệm cận mà khiến màn hình tự động tắt hoàn toàn khi người dùng bỏ điện thoại vào túi quần hoặc túi xách. Như vậy, nếu bạn thường xuyên để smartphone trong túi hoặc có thói quen để úp màn hình xuống thì sẽ đỡ tốn pin hơn để ngửa điện thoại.
Công nghệ màn hình nào mới nên dùng Always On Display
Ngoài việc hiểu Always On Display là gì, bạn cần biết công nghệ màn hình nào mới phù hợp cho tính năng này. Có hai loại màn hình chính: LCD và OLED. Để hiểu được công nghệ màn hình nào phù hợp cho Always On Display thì bạn cần hiểu nguyên lý hoạt động của hai loại màn hình này.
Màn hình LCD
Nói tới màn hình, chúng ta thường thấy đi kèm “pixel.” Pixel có nghĩa là điểm ảnh, một màn hình LCD có nhiều điểm ảnh. Nếu bạn từng nhìn thật sát màn hình, bạn sẽ thấy các ô vuông nhỏ li ti, mỗi ô đó chính là một điểm ảnh.
Với công nghệ LCD, tại bất kỳ thời điểm nào khi màn hình hoạt động, ở dưới màn hình có một đèn (backlight) luôn luôn chiếu sáng tất cả các điểm ảnh đó. Tuy nhiên, giữa mỗi điểm ảnh và backlight có một lớp “rèm” sẽ cho ánh sáng đi qua hoặc chặn ánh sáng lại, từ đó ta sẽ thấy các điểm ảnh tối, sáng khác nhau trên màn hình.
Điểm đáng chú ý với LCD là cứ bật màn hình thì cả tấm backlight và điểm ảnh đều sáng (kể cả khi bạn thấy một hoặc nhiều điểm ảnh màu đen). Khi bạn tắt màn hình thì cả backlight tắt và các điểm ảnh sẽ tối, màn hình đen hoàn toàn. Do đó, nếu bạn dùng Always On Display thì backlight sẽ phải bật sáng liên tục, từ đó ngốn pin hơn rất nhiều.
Màn hình OLED
Hầu hết các dòng smartphone hiện tại đều đã chuyển sang dùng màn hình OLED. Khác màn hình LCD, các điểm ảnh trên màn hình OLED từ tắt/bật riêng biệt, và các nội dung hiển thị trên màn hình vào từng thời điểm sẽ đòi hỏi số lượng điểm ảnh bật lên hoặc tắt đi khác nhau.
Như vậy, khi bạn dùng Always On Display, chỉ có những điểm ảnh có nhiệm vụ hiển thị thông tin mới bật, các điểm ảnh còn lại đều tắt.
Do đó, sau khi đã nắm được Always On Display là gì cũng như cơ chế hoạt động của màn hình smartphone, bạn có thể dễ dàng thấy được màn hình LCD tiêu tốn nhiều năng lượng hơn màn hình OLED nhiều và không phải lựa chọn tốt cho tính năng này. Trên thực tế, nó cũng chỉ xuất hiện nhiều hơn cùng với sự phổ biến của màn hình OLED trong những năm gần đây mà thôi.
Vì sao Apple không làm tính năng Always On Display?
Duy trì tuổi thọ pin
Mặc dù Always On Display chỉ tiêu tốn thêm một lượng pin nhỏ, tổng dung lượng hao hụt qua thời gian vẫn đủ lớn để bạn nhận thấy thời lượng pin bị giảm. Hơn nữa, ngoài năng lượng để bật màn hình liên tục, chiếc smartphone của bạn sẽ hao thêm năng lượng cho CPU và GPU thực hiện, kiểm soát quá trình này.
Giữ cho màn hình không bị xuống cấp
Ngoài hao pin, một nhược điểm lớn khác của Always On Display là hiện tượng bóng ma màn hình (burn-in). Đây là hiện tượng mà có bóng mờ hiện trên màn hình khi hình ảnh tĩnh được hiển thị trong một thời gian dài. Tuổi thọ của màn hình iPhone thường là 4-5 năm, nhưng hiện tượng burn-in sẽ làm màn hình xuống cấp nhanh hơn, giảm tuổi thọ đáng kể.
Apple không hài lòng với mức độ trải nghiệm người dùng
Với Apple, trải nghiệm thực tế mà Always On Display mang lại không đủ tốt để đánh đổi với hai nhược điểm trên. Đầu tiên, iPhone đã có sẵn tính năng raise-to-wake mà chỉ cần người dùng di chuyển nhẹ chiếc điện thoại là màn hình sẽ sáng, làm cho tính năng Always On Display hơi thừa thãi.
Hơn nữa, với Always On Display, thông tin hiển thị thường tối hơn bình thường nên người dùng cũng không dễ dàng bắt được giờ hay thông báo nếu chỉ nhìn liếc qua như quảng cáo.
Cuối cùng, dù mức độ sáng thấp hơn khi mở màn hình thì việc có thông báo mới xuất hiện trên Always On Display cũng có thể gây sự chú ý, làm người dùng bị xao lãng khi họ đang học tập, làm việc.
Người dùng không thực sự quan tâm đến nó
Khi các hãng smartphone ngày càng áp dụng Always On Display rộng rãi, hẳn Apple đã nghĩ đến và nghiên cứu việc thêm tính năng này cho iPhone, bao gồm khảo sát ý kiến người dùng. Hiểu được Always On Display là gì và tiếp thu từ người dùng, có lẽ Apple đã kết luận rằng người dùng không thực sự quan tâm đến tính năng này để đưa nó vào iPhone.
Apple không phải là kẻ chạy theo xu hướng
Dù Always On Display là gì và nó hot thế nào đi nữa thì Apple không bao giờ vội vàng thay đổi iPhone theo bất kỳ xu hướng nào chỉ vì đối thủ làm thế. Apple hoặc là người tạo nên xu hướng, hoặc chỉ đi theo xu hướng khi đã hoàn thiện nó tới mức hoàn hảo.
Ví dụ như khi các hãng smartphone chạy đua tăng độ phân giải camera lên tới 108MP thì iPhone 12 Pro Max vẫn chỉ có camera chính 12MP. Hay như điện thoại màn hình gập đã có mặt trên thị trường tận 3 năm nhưng một chiếc iPhone màn hình gập với Apple vẫn chỉ là trên giấy tờ.
Vậy nên, việc Samsung hay Huawei đã thêm tính năng Always On Display vào smartphone của mình sẽ khó mà khiến Apple chạy theo được.
Cách bật tính năng Always On Display
Nhìn chung, bạn sẽ tìm thấy tính năng Always On Display ở phần Settings/Cài đặt trên điện thoại. Tùy vào từng hãng, tính năng này sẽ có tên khác như Ambient Display, Always-on Panel, hoặc Always show time and info. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể cho một số hãng phổ biến.
Điện thoại Samsung
- Mở Settings trên điện thoại.
- Chọn Lock Screen.
- Tìm tùy chọn Always on Display.
- Tùy chỉnh tính năng Always on Display rồi bật tính năng.
Điện thoại Xiaomi
- Mở Settings trên điện thoại.
- Ấn Always-on Display and Home Screen.
- Ấn Option rồi điều chỉnh các tùy chọn.
- Khởi động tính năng Always-on Display.
Điện thoại Oppo/Realme
- Mở Settings trên điện thoại.
- Chọn Home Screen, Lock Screen & Always-on Display.
- Chọn Always-on Display.
- Chọn cài đặt mặc định hoặc tùy chỉnh theo ý thích.
- Khởi động tính năng Always-on Display.
Tới đây, GhienCongNghe hi vọng đã giải đáp được thắc mắc của bạn về Always On Display là gì và những điều quan trọng bạn cần biết xung quanh tính năng này. Với những ai còn tò mò, bạn có thể thử sử dụng Always On Display để trải nghiệm thực tế, biết đâu bạn lại thích tính năng này thì sao.
Xem thêm:
- LiDAR là gì? Có phải là chiêu trò bán hàng từ Apple hay thực sự là một công nghệ đỉnh cao
- Độ phân giải màn hình là gì? Những điều bạn cần lưu ý khi chọn màn hình 2021
- 4K là gì? Tivi 4K có phải là đỉnh nhất không?
Nếu bạn thấy bài viết Always On Display là gì này hữu ích, hãy Like và Share để chúng mình tiếp tục đầu tư sản xuất những nội dung chất lượng hơn nữa nhé.