Table of Contents
Hệ điều hành là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chiếc máy tính giúp bạn có thể dễ dàng làm việc mỗi ngày. Và các ông lớn công nghệ thì thường xuyên nâng cấp làm mới hệ điều hành của mình. Tại sao vậy? Cùng GhienCongNghe đi tìm hiểu hệ điều hành là gì trong bài viết này nhé.
Hệ điều hành là gì?
Hệ điều hành (tiếng Anh là Operating System, viết tắt là OS) là tập hợp các chương trình được tổ chức thành một hệ thống với nhiệm vụ đảm bảo tương tác giữa người dùng với máy tính.
Cung cấp các phương tiện và dịch vụ để điều phối thực hiện các chương trình, quản lý chặt chẽ các tài nguyên của máy, tổ chức khai thác chúng một cách thuận tiện và tối ưu.
Nói một cách dễ hiểu thì hệ điều hành là phần mềm hệ thống giúp người dùng giao tiếp được với phần cứng máy tính, điện thoại. Cung cấp môi trường cho các phần mềm và dịch vụ khác chạy được trên máy tính và điện thoại.
Hệ điều hành sẽ được cài đặt vào máy tính bạn trước tiên khi bạn mua máy và sử dụng lần đầu.
Tuy nhiên đối với điện thoại thì nó đã được cài đặt sẵn. Và khi máy bạn gặp lỗi gì nghiêm trong liên quan đến phần mềm thường bạn sẽ phải khôi phục cài đặt gốc lại hệ điều hành.
Vai trò của hệ điều hành là gì?
Hệ điều hành có một vai trò rất quan trọng với máy tính. Nếu không có nó bạn sẽ không thể sử dụng cũng như tải bất cứ phần mềm nào về máy tính và điện thoại. Bởi vậy, có thể nói hệ điều hành đóng vai trò cầu nối giữa thiết bị với người dùng và giữa thiết bị với các chương trình ngoài hệ thống có thể chạy trên thiết bị.
Hệ điều hành giúp điều khiển và quản lý phần cứng một cách hiệu quả như bo mạch chủ, Card đồ họa, ổ cứng, RAM và các linh kiện khác,…
Hệ điều hành thực hiện các thao tác cơ bản như: đọc, viết tập tin, quản lý hệ thống tập tin (file system) và các kho dữ liệu và các tác vụ đòi hỏi sự tính toán vượt trội như chạy phần mềm tính toán như Excel, phần mềm đồ họa 3D, xử lý video,…
Ngoài ra, sẽ còn thêm các chức năng khác đối với các hệ điều hành máy chủ nhưng đó là một chương khác mà chúng tôi có thể chia sẻ đến bạn trong thời gian tới.
Phân loại hệ điều hành
Người dùng khi nghe tới hệ điều hành thường nghĩ ngay tới máy tính. Nhưng thực tế thì có rất nhiều loại hệ điều hành khác nhau như: hệ điều hành dành cho máy tính; hệ điều hành dành cho thiết bị di động; hệ điều hành máy chủ,…
Nhưng có thể đối với đa số mọi người thì có 2 nhóm hệ điều hành phổ biến là hệ điều hành máy tính và điện thoại.
Đối với hệ điều hành dành cho máy tính, có Windows và macOS là những hệ điều hành phổ biến hiện nay. Ngoài ra, Linux cũng khá nổi tiếng trong giới lập trình.
Còn đối với điện thoại, chắc chắn là Android và iOS (dành cho các sản phẩm của Apple như iPhone, Ipad và Ipod Touch). Ngoài ra còn Windows Phone và Symbian (hệ điều hành của điện thoại Nokia).
Các hệ điều hành phổ biến hiện nay
Chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về các hệ điều hành này xem có gì nhé.
Windows
Đây là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế Giới dành cho máy tính. Sở hữu lượng người dùng lớn. Hệ điều hành Windows này được phát triển và phân phối bởi “ông lớn” ngành công nghệ là Microsoft. Nó gồm nhiều dòng hệ điều hành và mỗi dòng phục vụ một dòng máy nhất định.
Hệ điều hành Windows có giao diện thân thiện, đơn giản. Tính đến này, nhà Microsoft đã triển khai và nâng cấp tới 17 phiên bản từ đời đầu tiên là hệ điều hành DOS tới phiên bản mới nhất là hệ điều hành Windows 11.
Những ưu điểm vượt trội của Windows thu hút người dùng như:
- Có khả năng tương thích cao: Vốn là một nền tảng chiếm thị phần sử dụng cao nhất hiện nay nên cũng không có gì khó hiểu khi hầu hết các nhà sản xuất đều đầu tư xây dựng phần mềm cũng như sản xuất phần cứng hỗ trợ cho hệ điều hành Windows.
- Dễ sử dụng: Dù cho ra đời nhiều phiên bản nhưng các phiên bản sau luôn có tính kế thừa các phiên bản tiền nhiệm, nên người dùng dễ làm quen khi sử dụng lần đầu.
- Phong phú ứng dụng: Bởi hầu hết các ứng dụng đều viết dựa trên nền tảng tương thích với hệ điều hành Windows, nên ứng dụng của nó phong phú hơn so với các hệ điều hành khác. Đây là một trong những ưu điểm vượt trội của Windows so với các phần mềm khác.
- Hỗ trợ màn hình cảm ứng: Mặc dù hệ điều hành Windows 7 có hỗ trợ cảm ứng nhưng phải đến phiên bản Windows 8 trở lên thì nó mới hoàn thiện, và hỗ trợ tốt cho những thiết bị có màn hình cảm ứng
- Hỗ trợ phần lớn các game trên thế giới: Vì lượng người dùng Windows quá lớn nên hầu hết các nhà phát triển game đều xây dựng trò chơi tương thích với hệ điều hành này.
Tuy nhiên, Windows vẫn tồn tại một số nhược điểm như:
- Số lượng người dùng lớn khiến Windows trở thành mục tiêu của nhiều hacker, tin tặc. Do vậy người dùng thường lo lắng về vấn đề bảo mật. Tuy không bằng macOS về vấn đề bảo mật những Windows cũng có những cải tiến qua từng phiên bản để hoàn thiện dần tính năng này.
- Nhiều bản Windows lậu: Sử dụng các bản Windows lậu cũng là một trong những hình thức dễ bị mã độc xâm nhập máy tính
MacOS
MacOS là hệ điều hành mặc định được Apple cài đặt trong các dòng máy MacBook và iMac được giới thiệu lần đầu vào năm 2001. Tuy không phổ biến bằng Windows những macOS đã khẳng định tên tuổi khi gắn liền với các dòng máy tính nhà Apple ở phân khúc tầm cao.
Cùng tìm hiểu qua một vài ưu điểm nổi bật của macOS nhé.
- Sự ổn định: Mac OS của Apple được đánh giá là một nền tảng ổn định, tuy so với Windows không ai hoàn hảo hơn ai nhưng theo nhiều người nhận xét, Mac hoạt động một cách mượt mà hơn.
- Tính năng bảo mật: macOS được đánh giá cao ở sự bảo mật các nhà phát triển cũng rất quan tâm tới tính năng quan trọng này nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng. Điều này bạn có thể thấy ở các sản phẩm khác như iPhone, iPad,…,
- Tính năng đồng bộ hóa: Khi sử dụng cùng lúc các sản phẩm của Apple như: iPhone, iPad, Macbook… bạn sẽ dễ dàng trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu qua lại.
- Giao diện đẹp mắt: Có thể nói, giao diện của macOS là một trong những giao diện máy tính có độ thẩm mỹ cao, và có thể tạo cảm hứng làm việc ngay cho người dùng mỗi khi bật máy lên.
Tuy nhiên macOS cũng không thể tránh khỏi những nhược điểm như
- Giá thành: Khi so sánh với Mac OS, thì giá thành của Windows vẫn còn thua kém khá nhiều. Tuy nhiên với những bạn không quá quan tâm tới vấn đề giá cả thì đây chắc chắn là một sự lựa chọn tuyệt vời.
- Khả năng tương thích phần mềm: Những người sử dụng macOS hẳn đều biết tuy có nhiều ứng dụng nhưng trong một số tình uống vẫn gặp tình trạng không đủ dùng. Vì đa số người dùng tập trung vào Windows nên các nhà phát hành ứng dụng cũng thường hướng đến Windows nhiều hơn.
Linux
Hệ điều hành với biểu tượng chú chim cánh cụt này có lẽ khá xa lạ với chúng ta, nhưng nó lại phổ biến trong giới lập trình. Hệ điều hành này ra mắt vào năm 1991 được phát hành miễn phí và có nhiều ưu điểm vượt trội khiến nó vẫn có chỗ đứng cho tới hiện tại. Linux phù hợp cho công việc: Lướt web, chat, email,…
Linux với những tính năng vượt trội như:
- Miễn phí và được hỗ trợ các ứng dụng văn phòng OpenOffice và LibreOffice.
- Tính bảo mật cao
- Tính linh hoạt, người dùng có thể chỉnh sửa hệ điều hành để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình
Nhược điểm của Linux khiến nhiều người băn khoăn như:
- Đây là phần mềm không quá phổ biến.
- Một số nhà sản xuất không phát triển driver hỗ trợ nền tảng Linux.
Hệ điều hành di động
Nhắc đến hệ điều hành di động là phải nhắc tới Android và iOS
Cùng tương tự như Windows thì Android chính là hệ điều hành phổ biến nhất cho di động. Hầu hết các dòng điện thoại đều dùng hệ điều hành này.
Năm 2005, Google chính thức mua là từ tay Tổng công ty Android (Android, Inc.) để phát triển hệ điều hành này. Hệ điều hành Android dựa trên nền tảng Linux, được viết để dành cho các thiết bị smartphone cũng như máy tính bảng.
Không chỉ sử dụng trên các thiết bị di động, Android còn được tùy biến cho TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác. Android là một mã nguồn mở, do đó mỗi người dùng đều có thể là nhà phát triển.
IOS là hệ điều hành do tập đoàn Apple phát triển. Năm 2007, chiếc iPhone đầu tiên ra đời cùng hệ điều hành iOS đã làm thay đổi cách dùng điện thoại trên Thế Giới. Điện thoại không chỉ là một thiết bị chỉ để nghe gọi mà thu hút người dùng với tích hợp giải trí đa phương tiện.
Tuy đây chỉ là hệ điều hành độc quyền dành cho các sản phẩm di động của Apple nhưng nó lại vô cùng phổ biến cùng với tên tuổi ngày một lớn mạnh từ các dòng sản phẩm của công ty, phải kể đến chính là iPhone.
Các thành phần của hệ điều hành
Để có thể duy trì được toàn bộ hoạt động của máy thì thành phần của hệ điều hành cũng không hề đơn giản đúng không nào. Cùng chúng tôi điểm qua các thành phần quan trọng làm nên bộ máy tuyệt vời này nhé.
Kernel: có nhiệm vụ cung cấp các điều khiển ở mức cơ bản trên tất cả các thiết bị phần cứng máy tính. Vai trò của Kernel là đọc dữ liệu từ bộ nhớ, xử lý các lệnh thực hiện, xác định cách dữ liệu được nhận và gửi bởi các thiết bị như màn hình, bàn phím, chuột và xác định cách diễn giải dữ liệu nhận được từ mạng.
Giao diện người dùng: cho phép việc tương tác với người dùng thông qua các Graphical icons và desktop hoặc thông qua command line.
Giao diện lập trình ứng dụng: cho phép các nhà phát triển ứng dụng viết modular code.
Các câu hỏi liên quan
Hệ điều hành thuộc nhóm phần mềm nào?
Hệ điều hành tiếng anh là Operating system (OS) là phần mềm hệ thống quản lý phần cứng máy tính, tài nguyên hệ thống và cung cấp dịch vụ phổ biến cho các chương trình ứng dụng.
Hệ điều hành 64-bit khác gì 32-bit?
Số bit đại diện cho khả năng xử lý của thiết bị. Rõ ràng những thiết bị 64-bit sẽ có khả năng có nhiều khả năng xử lý hơn so với 32-bit. Và bạn cũng cần lưu ý điều kiện về hệ điều hành khi tải một ứng dụng, phần mềm nào. Vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của phần mềm đó.
BiOS có được xem là hệ điều hành không?
BiOS là hệ thống quản lý đầu vào/đầu ra cơ bản. Nó không phải là hệ điều hành.
Xem thêm:
- Ubuntu là gì? Sự lựa chọn hàng đầu của các lập trình viên thay cho Windows hoặc macOS
- Linux là gì? Linux có gì khác so với Unix và Windows
Trên đây là những giải đáp xung quanh chủ đề hệ điều hành là gì. Hy vọng bài viết giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hệ điều hành. Đừng quên Like, Share bài viết để GhienCongNghe có động lực tiếp tục ra nhiều bài viết chất lượng nữa nhé.