Table of Contents

Hướng dẫn kiểm tra Macbook MDM chính xác nhất bạn nên biết
MacOS

Hướng dẫn kiểm tra Macbook MDM chính xác nhất bạn nên biết

Thị trường mua bán Macbook dạo gần đây rộ lên những sản phẩm hàng công ty và rất khó phân biệt với hàng chính hãng. Bài viết này sẽ hướng dẫn kiểm tra Macbook MDM chính xác nhất trước khi đi mua máy nhé.

Với sự sôi động của thị trường mua bán MacBook giá rẻ, nhiều thuật ngữ lạ lẫm mà người mua có thể chỉ mới nghe qua lần đầu như: MacBook Like New, MacBook CTO, MacBook MDM… Trong đó, MacBook hàng MDM là loại khó phân biệt với hàng chính hãng nếu như không có nhiều kiến thức và kỹ năng kiểm tra trước khi mua.

Do đó, bài viết hướng dẫn kiểm tra MacBook MDM dưới đây sẽ giúp bạn có được những kiến thức hữu ích giúp kiểm tra và phân biệt MacBook MDM trước khi đi tới cửa hàng và sắm cho mình một chiếc MacBook với giá trị không hề nhỏ.

Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn MacBook MDM là gì trong một bài viết mà chúng tôi đã từng chia sẻ gần đây. Có thể hiểu MacBook MDM là những chiếc máy do một tổ chức, doanh nghiệp hoặc công ty đặt hàng với Apple theo hợp đồng MDM (Mobile Device Management) với số lượng lớn nhằm cấp phát và quản lý thiết bị làm việc của nhân viên.

Hướng dẫn kiểm tra MacBook MDM nhanh bằng Terminal

Để kiểm tra nhanh chóng việc MacBook của bạn có dính MDM (Mobile Device Manage) hay không? Sẽ có 3 cách để kiểm tra điều này.

Cách đầu tiên để kiểm tra MacBook có phải hàng MDM không đó là sử dụng câu lệnh.

Hãy bật chiếc MacBook của bạn lên và mở ứng dụng Terminal. Sau đó nhập dòng lệnh sau và nhấn Enter:

  • profiles status -type enrollment

Sau đó, hãy để ý đến kết quả hiển thị trong 2 dòng lệnh sau:

  • Enrolled via DEP
  • MDM enrollment

Hướng dẫn kiểm tra Macbook MDM

Nếu một trong hai hiển thị kết quả là Yes, thì xin chia buồn cùng bạn, MacBook của bạn là hàng công ty hay có thể nói chính xác hơn là đã dính chương trình MDM của Apple.

Nhưng nếu kết quả là No cho cả 2 dòng Enrolled via DEP và MDM enrollment thì bạn có thể tạm yên tâm là chiếc MacBook vẫn có thể sử dụng bình thường. Điều này không có nghĩa là chiếc MacBook của bạn “sạch sẽ”.

Với một số thủ thuật, nhiều kỹ thuật viên hoàn toàn có thể xóa bỏ chương trình MDM được cài đặt trong MacBook tại màn hình chào mừng quen thuộc của macOS và biến chiếc MacBook dính MDM này thành máy có thể sử dụng như bình thường, không hề xuất hiện thông báo hay màn hình Remote Manage.

Để biết chính xác chiếc MacBook của bạn có phải hàng MDM hay không? Bạn có thể thực hiện kiểm tra bằng số Series đi theo máy hoặc thực hiện Restore (cài đặt lại phần mềm gốc) chiếc MacBook.

Hướng dẫn kiểm tra Macbook MDM như thế nào?

Với việc kiểm tra số series trên MacBook sẽ cần thông qua một số bên dịch vụ thứ ba và phải tốn một khoản phí cho dịch vụ này. Hãy tìm đến những nơi uy tín để không phải “tiền mất tật mang” nhé.

Đối với cách còn lại là thực hiện cài đặt lại MacBook (Erase and reinstall macOS) thì sẽ đơn giản và cho ra kết quả chính xác nhất.

Lưu ý trong quá trình thực hiện cài đặt lại MacBook, bạn cần phải theo dõi sát sao nếu như người thao tác là kỹ thuật viên tại nơi bán, xem thử họ có hành động bất thường nào khác trong quá trình thực thi khôi phục cài đặt gốc không nhé. Rất có thể họ sẽ xóa bỏ chương trình MDM có trên máy trong thời điểm này đấy.

Nếu bạn muốn tự thực hiện thao tác cài đặt lại macOS cho chiếc MacBook để kiểm tra xem nó có phải hàng MDM. Hãy theo dõi các bước hướng dẫn dưới đây.

Kiểm tra MacBook có phải hàng MDM bằng cách cài đặt lại macOS

Để kết quả kiểm tra chính xác nhất, hãy thực hiện cài đặt lại macOS theo hướng “sạch sẽ” nhất bằng cách xóa sạch dữ liệu trên ổ đĩa MacBook, điều này cũng phòng trừ trường hợp các chương trình can thiện trước đó nhầm mục đích xóa thông báo từ Apple về chương trình MDM.

Cách cài đặt lại macOS “sạch sẽ” như sau:

Bước 1: Khởi chạy chế độ khôi phục (Recovery Mode) trên MacBook của bạn. Lưu ý rằng trên các kiểu máy Mac khác nhau sẽ có cách khởi động Recovery Mode:

  • Đối với MacBook dùng chip Intel: Tắt máy và sau đó nhấn nút nguồn để bật lên lại và đồng thời nhấn giữ phím Command + R cho đến khi logo Apple xuất hiện.
  • Đối với MacBook dùng chip Apple Silicon: Tắt nguồn và sau đó nhấn giữ nút nguồn cho đến khi thấy dòng chữ “Loading startup options” xuất hiện. Bấm vào biểu tượng hình bánh răng (Options), sau đó chọn Continue.

Bước 2: Để xóa sạch dữ liệu trên ổ đĩa MacBook, hãy nhấn vào Disk Utility > Nhấn chọn ổ đĩa chứa hệ điều hành và nhấn vào Erase. Sau đó đóng cửa sổ Disk Utility để trở lại màn hình khôi phục cài đặt macOS.

Kiểm tra MacBook có phải hàng MDM bằng cách cài đặt lại macOS

Bước 3: Nhấn vào Reinstall macOS… và làm theo các hướng dẫn hiện trên màn hình để tiền hành cài đặt lại macOS trên MacBook.

Kiểm tra MacBook có phải hàng MDM bằng cách cài đặt lại macOS

Quá trình này sẽ mất khoảng tầm 1 tiếng cho đến vài tiếng, tùy thuộc vào cấu hình và tốc độ internet.

Kiểm tra MacBook có phải hàng MDM bằng cách cài đặt lại macOS

Bước 4: Cuối cùng, sau khi quá trình cài đặt lại macOS hoàn tất, màn hình Xin chào quen thuộc hiện ra.

Nếu trong quá trình thiết lập cấu hình sử dụng trên MacBook vừa cài đặt lại này xuất hiện một cửa sổ “Remote Management”. Thì xin chia buồn cùng bạn, chiếc MacBook này là hàng MDM. 

Kiểm tra MacBook có phải hàng MDM bằng cách cài đặt lại macOS

Rủi ro khi sử dụng MacBook hàng MDM

Như đã đề cập ở phần đầu của bài viết này, MDM là một chương trình quản lý thiết bị đầu cuối được cấp phát dành cho các nhân sự trong một tổ chức để sử dụng và làm việc. Nó được quản lý và kiểm soát rất nhiều thông tin có trên thiết bị đó và có thể bị khóa từ xa.

Ngoài ra, công ty, tổ chức ký hợp đồng MDM trên chiếc MacBook hàng công ty này có thể thực hiện xóa toàn bộ dữ liệu có trên thiết bị vì nó được thiết kế để bảo vệ thông tin của một tổ chức.

Nhưng nếu bạn không đăng nhập tài khoản kích hoạt vào máy thì trong quá trình sử dụng hàng ngày, chiếc MacBook sẽ thường xuyên hiện thông báo “Device Enrollment” gây rất nhiều khó chịu cho người dùng.

Rủi ro khi sử dụng MacBook hàng MDM

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh MacBook cho rằng dùng MacBook MDM cũng “mạo hiểm” không kém việc dùng iPhone của mình bằng tài khoản iCloud của người khác, có thể bị lấy dữ liệu và khóa bất kỳ lúc nào.

Một số nơi bán MacBook MDM với lời quảng cáo hỗ trợ trọn đời các trường hợp bị khóa máy, nhưng khi thực sự gặp vấn đề, người mua mất rất nhiều thời gian để giải quyết, thậm chí sẽ mất hết dữ liệu quan trọng nếu bạn dùng nó cho mục đích công việc.

Với đặc thù là thiết bị dành riêng cho nhân viên của một công ty, việc MacBook MDM xuất hiện trên thị trường là điều không bình thường. Có khả năng chúng là hàng bất chính bị tuồn ra ngoài.

Dù sao thì thị trường MacBook MDM cũng đang rất sôi động với rất nhiều người có nhu cầu mua một chiếc MacBook MDM cấu hình cao với mức giá hợp lý hơn hàng chính hãng.

Nhưng hãy trang bị cho mình một số kiến thức về mặt hàng MacBook MDM này để tránh các trường hợp bị lừa mua phải hàng MDM đội lót hàng chính hãng nhé.

Nếu thấy bài viết hướng dẫn kiểm tra MacBook MDM này hay và hữu ích với bạn, hãy Like & Share để ủng hộ GhienCongNghe tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới nhé.