Table of Contents

QLED là gì? Và những lý do vì sao QLED lại được các thương hiệu sản xuất màn hình ưu ái đến thế
Khám phá

QLED là gì? Và những lý do vì sao QLED lại được các thương hiệu sản xuất màn hình ưu ái đến thế

Trong vài năm gần đây, Samsung là nhà sản xuất TV nổi tiếng trên thế giới đã xây dựng thương […]

Trong vài năm gần đây, Samsung là nhà sản xuất TV nổi tiếng trên thế giới đã xây dựng thương hiệu TV QLED để quảng bá và bán hàng. Từ ban đầu khi tiếp xúc với sản phẩm này, nhiều người tự hỏi QLED là gì và tại sao họ phải lựa chọn QLED ở chiếc TV mình chuẩn bị sắm sửa thì thương hiệu này trả lời bằng những mẫu Neo QLED độ phân giải 4K – 8K, TV nghệ thuật The Frame, TV xoay Serif, TV xoay Sero…

Tất nhiên “tiền nào của nấy” với chất lượng hàng đầu như vậy, nên chúng ta không cần bàn cãi quá nhiều về độ “căng đét” của hình ảnh hiển thị. Theo chân GhienCongNghe khám phá QLED là gì nhé.

qled-la-gi-00

QLED là gì?

QLED là viết tắt của Quantum Light-Emitting Diode. Nói một cách đơn giản, TV QLED giống như một TV LED thông thường, ngoại trừ việc sử dụng các hạt nano nhỏ gọi là chấm lượng tử để hiển thị sắc sảo hơn độ sáng và màu sắc của chúng.

Lần đầu được giới thiệu bởi Sony vào năm 2013, nhưng ngay sau đó Samsung đã bắt đầu ra mắt thương hiệu QLED của mình và thiết lập mối quan hệ đối tác được cấp phép với các nhà sản xuất khác. Đó là lý do vì sao hiện nay bạn cũng có thể tìm thấy TV QLED của Sony, Vizio, Hisense, TCL…

Cấu trúc chấm lượng tử là phần quan trọng và tuyệt vời nhất, TV QLED vẫn tạo ra ánh sáng theo phương thức truyền thống như TV LED thông thường: sử dụng đèn nền được tạo thành từ hàng trăm, hàng nghìn đèn LED nằm phía sau màn hình LCD truyền thống. Vì vậy, đó cũng là lý do chúng ta có khái niệm TV LED (và QLED) như ngày nay.

qled là gì

Cách màn hình QLED hoạt động

Khi tìm hiểu sâu về QLED là gì và hoạt động như thế nào thì chúng ta sẽ nhận thấy nguyên lý hoạt động khá đơn giản dựa vào các hạt phân tử cực nhỏ (chấm lượng tử).

Khi ánh sáng chiếu vào, chấm lượng tử sẽ phát ra ánh sáng có màu sắc khác nhau. Trong TV QLED, chúng được chứa trong một bộ phim, ánh sáng chiếu vào được cung cấp bởi đèn LED, kết hợp với bộ lọc màu và tiếp đó truyền qua một vài lớp khác bên trong TV bao gồm cả lớp tinh thể lỏng (LCD) để tạo ra hình ảnh. Qua nhiều năm ra mắt và phát triển, hiệu suất ánh sáng, màu sắc cũng dần được cải thiện.

qled là gì

Ưu và nhược điểm của QLED là gì?

Mỗi một loại màn hình trên thị trường và phân phối rộng rãi đến bộ phận người sử dụng đều có những ưu điểm và không thể tránh khỏi nhược điểm. TV QLED cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Rất nhiều vấn đề được đặt ra khi tìm hiểu QLED là gì, và nên chọn TV QLED như thế nào để có trải nghiệm tốt nhất thì dưới đây là một trong những ưu nhược điểm đáng của ý của TV QLED.

Ưu điểm nổi bật của QLED

  • Độ sáng (Brightness): Nằm ở việc sử dụng đèn nền riêng biệt khiến TV QLED hiển thị ánh sáng hoàn hảo đến mức khó tin. Chấm lượng tử làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tối đa hoá ánh sáng bằng cách tạo ra màu sắc tươi sáng hơn mà không làm mất đi bộ bão hoà, hoàn toàn có thể hiển thị tốt nhất trong môi trường ánh sáng rực rỡ nhất. Đây là ưu điểm nổi bật nhất mà TV OLED không thể thay thế.
  • Màu sắc (Color space): Điểm hấp dẫn ngay từ ánh nhìn đầu tiên khi chứng kiến các sản phẩm TV QLED trên thị trường. Lại một lần nữa các chấm lượng tử thật sự “toả sáng” khi QLED có thể đạt được độ hiển thị màu sắc hình ảnh chính xác nhất với nhiều yếu tố như độ sáng, khối lượng màu… Phạm vi hiển thị màu sắc bão hoà tốt hơn ở mức độ ánh sáng cao nhất.
  • Kích thước (Size): Với nhu cầu giải trí với màn ảnh rộng tại gia của người dùng đòi hỏi kích thước màn hình TV phải ngày càng lớn để mang lại trải nghiệm tốt nhất. Thế nhưng với kích thước màn hình lớn có thể lên tới 88 inch như vậy đòi hỏi một mức giá cao ngất ngưởng.
  • Tuổi thọ (Lifespan): LG với việc tập trung vào OLED cho biết bạn sẽ phải xem TV OLED của hãng 5 tiếng mỗi ngày trong vòng 54 năm trước khi hiệu suất của chúng giảm đi 50%, tuy nhiên mọi thứ vẫn còn phải xem xét vì OLED chỉ vừa ra mắt vào năm 2013. Thế nhưng, “hậu bối” QLED lại có thể tồn tại lâu hơn như vậy với nguồn phát ánh sáng đèn LED của mình.
  • Hiện tượng cháy sáng màn hình (Screen burn-in): Burn-in chỉ xảy ra với những hình ảnh hiển thị liên tục và cố định trên màn hình như: các nút điều hướng, logo kênh, thông tin thời sự, bảng điểm, đánh giá của các trận đấu thể thao… trong khi hình ảnh, đoạn phim khác vẫn thay đổi.
  • Giá thành (Price): Giá thành thấp hơn hẳn nếu so sánh với các loại TV OLED chất lượng tương đương.

Nhược điểm của QLED là gì

  • Sắc đen và độ tương phản (Black levels and Contrast): Độ tương phản là sự khác biệt giữa phần tối nhất và sáng nhất của hình ảnh. Một chiếc TV hoàn hảo có thể phân phối phần tối thực sự thành màu đen và không cần phải làm cho phần sáng khác sáng hơn để đạt mức độ tương phản tốt. TV QLED buộc phải làm mờ đèn nền LED và chặn ánh sáng khác – một điều khó có thể hoàn hảo. Thậm chí hiện tượng tràn ánh sáng (light bleed) có thể xảy ra khi ánh sáng xâm lấn vào phần màu đen của màn hình.
  • Thời gian phản hồi, độ trễ, tốc độ làm mới (Responde time, Input lag, Refresh rate): Thời gian phản hồi khi thay đổi của QLED từ 2 đến 8 mili giây, điều này nghe khá ổn cho đến khi bạn được nghe đến thông số độ trễ của OLED: khoảng 0,1 mili giây. Mặt khác, độ trễ khi thực hiện thao tác và tốc độ làm mới (ví dụ như chơi game – mối quan tâm hàng đầu của các game thủ) chỉ thực sự tốt trên các TV QLED của Samsung và Sony.
  • Góc nhìn (Viewing angle): Góc nhìn tốt nhất của TV QLED là trung tâm và chỉ trung tâm. Chất lượng hình ảnh, màu sắc, độ sáng, độ tương phản giảm dần khi bạn di chuyển sang hai bên hoặc lên xuống. Mức độ nghiêm trọng sẽ là khác nhau ở các dòng TV QLED khác nhau nhưng chi tiết này rất đáng được chú ý mặc dù luôn được các nhà sản xuất nỗ lực cải thiện.
  • Tiêu thụ năng lượng (Power consumption): Nhược điểm này đến từ các đèn nền LED khi chúng tiêu thụ kha khá năng lượng và toả nhiệt khá nhiều.
  • Sự thoải mái cho mắt (Eye comfort): Ánh sáng từ đèn nền LED có thể khiến bạn điều tiết nhiều và sẽ càng mệt hơn khi xem TV QLED quá nhiều trong ngày.

Điểm khác biệt giữa OLED và QLED là gì

OLED và QLED là 2 loại tiêu chuẩn ánh sáng hàng đầu mới nhất hiện nay. Nếu Samsung, Sony hay TCL tập trung sản xuất và phát triển QLED thì OLED được LG chú trọng hơn cả. Những điểm khác biệt dễ nhận biết 2 loại màn hình này bao gồm:

Về tên gọi đầy đủ

  • QLED: Quantum Light-Emitting Diode.
  • OLED: Organic Light-Emitting Diode.

Về khái niệm

  • QLED: là biến thể của LED LCD thêm các chấm lượng tử.
  • OLED: là một công nghệ khác của LCD, loại TV thông thường.

Về cách hoạt động

  • QLED: Phụ thuộc vào ánh sáng của đèn nền LED, truyền ở dạng truyền thống.
  • OLED: Các điểm ảnh phát ra ánh sáng của riêng chúng, một kiểu phát xạ.

Về hình thức

  • QLED: Khá giống với loại TV LCD thông thường.
  • OLED: Cải tiến và khác biệt hoàn toàn.

qled là gì

Nên chọn TV OLED hay QLED

Cả hai loại công nghệ này đều ấn tượng theo cách của chúng, nhưng để xét về phương diện nổi bật và tốt hơn cho sức khoẻ thì bạn vẫn nên lựa chọn TV OLED với hiệu suất nhỉnh hơn hẳn so với TV QLED.

Tóm lại, QLED xuất hiện ở top đầu danh sách đáng mua khi mang lại độ sáng cao hơn, tuổi thọ dài hơn, kích thước màn hình lớn hơn, giá thành thấp hơn. Mặt khác OLED có góc nhìn tốt hơn, sắc đen rõ hơn, tiết kiệm năng lượng, tốt cho mắt của bạn. Vì vậy khi xem xét các đánh giá để lựa chọn giữa TV QLED và TV OLED chỉ là ý kiến chủ quan.

Hiện nay, công nghệ đèn LED mini là một lời hứa hẹn dành cho TV QLED khi có thể khắc phục tình trạng hiển thị sắc đen không được tốt của mình.

qled là gì

Sau cùng, Samsung một lần nữa dẫn đầu xu hướng khi nghiên cứu và sản xuất công nghệ phát xạ khác – MicroLED:

  • Sử dụng hàng triệu đèn LED cực nhỏ tiệm cận đến từng pixel mang đến tiềm năng hiển thị sắc đen hoàn hảo nhất tương tự OLED.
  • Không có nguy cơ cháy sáng.
  • Cung cấp độ sáng cao hơn, màu sắc tuyệt vời, gam màu rộng về gạt bỏ khuyết điểm về góc nhìn.

Tuy nhiên, nó hiện chỉ đang được bán cho giới siêu giàu mà thôi.

Công nghệ NEO QLED là gì?

Sẽ là thiếu sót lớn trong quá trình tìm hiểu QLED là gì mà lại bỏ qua loại màn hình cải tiến này.

Công nghệ NEO QLED là một cải tiến vượt bậc so với TV QLED với đàn LED mini chúng tôi đã đề cập ở trên. Bộ xử lý được nâng cấp với chip Quantum cùng hệ thống đa trí tuệ 16 notron đảm bảo khả năng kiểm soát độ sáng, hiển thị sắc đen sâu hơn, không bị nhoè màu, xử lý nâng cấp hình ảnh và âm thanh chân thật, mạnh mẽ nhất.

qled là gì

Điểm tên các công nghệ màn hình hiện nay

Thị trường công nghệ màn hình hiện nay đa dạng, chất lượng, giá thành hợp lý khá nhiều và gây khó khăn khi lựa chọn vì chúng thực sự rất hấp dẫn và thu hút.

Dưới đây là một số cái tên tốt nhất, đáng để xem xét rinh về nhà dành cho bạn đây (lưu ý mức giá chúng tôi đề cập bên cạnh chỉ dùng để tham khảo):

  • 55-inch TCL 5-Series QLED 4K Roku Smart TV — 648 USD (tương đương khoảng 15.500.000 VNĐ).
  • Hisense 75-Inch H6510G LED 4K HDR Smart Android TV — 750 USD (tương đương khoảng 17.500.000 VNĐ).
  • 65-inch Samsung The Frame 4K QLED TV — 1.898 USD (tương đương khoảng 44.000.000 VNĐ).
  • 85-inch Samsung Q70T 4K TV — 2.419 USD (tương đương khoảng 56.000.000 VNĐ).
  • 65-Inch Samsung Class Q800T Series QLED 8K UHD Smart Tizen TV — 2.700 USD (tương đương khoảng 62.500.000 VNĐ).
  • 85-inch Samsung Q900TS QLED 8K UHD TV — 7.000 USD (tương đương khoảng 161.000.000 VNĐ).
  • 55-Inch Sony Class A8H Series OLED 4K UHD Smart Android TV (XBR55A8H) — 1.298 USD (tương đương khoảng 30.000.000 VNĐ).
  • 48-inch LG CX OLED 4K TV — 1.300 USD (tương đương khoảng 30.000.000 VNĐ).
  • 77-inch LG GX 4K Smart TV with soundbar and mounting kit — 3.297 USD (tương đương khoảng 76.000.000 VNĐ).
  • 77-inch LG CX 4K OLED TV with soundbar and installation — 3.297 USD (tương đương khoảng 76.000.000 VNĐ).
  • 77-Inch LG Class GX Series OLED 4K Smart TV (OLED77GXPUA) — 3.300 USD (tương đương khoảng 76.000.000 VNĐ).

Xem thêm:

GhienCongNghe hi vọng qua bài viết chia sẻ bạn đã phần nào biết được QLED là gì và giúp ích được trong quá trình tìm hiểu và mua sắm thiết bị công nghệ cho gia đình của mình. Hãy Like và Share để tạo động lực cho chúng tôi ra thêm bài viết hữu ích hơn trong tương lai nhé.

Tham khảo DigitalTrends, CNET