Table of Contents
Chắc hẳn bạn đã nghe qua về cụm từ Scam những liệu bạn đã biết Scam là gì? Nếu chưa, chần chừ gì mà chưa đọc ngay bài đăng này của GhienCongNghe để nắm bắt ngay những thông tin và những hình thức scam mới nhất để có thể phòng tránh ngay cho bản thân mình.
Scam là gì?
Scam là một thuật ngữ trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có thể hiểu chính là “lừa đảo”. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ người khác.
Việc lừa đảo hiện nay không chỉ còn ở trong cuộc sống hằng ngày mà còn diễn ra trên mạng Internet với hình thức ngày càng tinh vi và được nâng cấp để khó bị phát hiện. Bạn cần đề phòng cảnh giác đối với bất kỳ biểu hiện đáng ngờ nào để tránh việc bị mất tiền bạc hoặc của cải không mong muốn.
Scammer là gì?
Bởi lẽ scam mang nghĩa là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên Scammer chính là thuật ngữ để chỉ những người có hành vi lừa gạt người khác. Tức là những người có hành vi scam sẽ được gọi là scammer.
Các hình thức Scam trên mạng
Hiện nay trên mạng Internet có rất nhiều những hành vi lừa đảo tinh vi, hãy cùng điểm qua xem những hành vi phổ biến để lừa đảo scam là gì trên mạng để có thể tránh bị lừa đảo bạn nhé.
Sử dụng email để lừa đảo: Với cách lừa đảo này, những đối tượng scammer sẽ gửi email chứa những nội dung khiến bạn phải tiết lộ thông tin cá nhân của mình như: “Cần xác thực thông tin”, “Vui lòng bấm vào đường link để đăng nhập”,…
Sử dụng Facebook để lừa đảo: Đây có lẽ là cách scam phổ biến nhất hiện nay. Scammer sẽ hack Facebook của một người dùng bất kỳ và sử dụng chính tài khoản này để nhắn cho những người thân quen trong danh sách bạn bè nhằm “mượn/vay” tiền hoặc gửi những đường link liên kết nhằm chiếm đạt tài khoản của họ.
Tạo website mạo danh: Scammer sẽ tạo và thiết kế ra một website tương tự như một website nổi tiếng bất kỳ, sau đó sẽ tiến hành SEO để đưa website lên vị trí đầu của công cụ tìm kiếm. Cuối cùng, nhiều người dùng sẽ nhấn vào website và từ đó việc bị lộ thông tin để chiếm đoạt sẽ xảy ra.
Mạo danh tên, thương hiệu: Nhiều người sẽ thắc mắc hình thức scam là gì đối với việc mạo danh tên và thương hiệu. Với hình thức này, scammer tạo ra tài khoản mạng xã hội giả có tên giống hoặc gần giống với các thương hiệu nổi tiếng để lừa gạt người dùng.
Bán hàng không đúng như đã đăng tải: Ngay cả việc mua hàng online bạn cũng có thể dễ dàng gặp được scam! Chẳng hạn, bạn đặt một chiếc điện thoại, nhưng hàng giao đến lại là một cục đá, lúc này bạn đã gặp phải thủ đoạn scam của scammer người bán hàng.
Lừa đảo quyên góp từ thiện: Đây có lẽ là hình thức scam được sử dụng nhiều nhất gần đây. Lợi dụng tình cảnh nghèo khổ hoặc những hoàn cảnh đáng thương, các tài khoản mạng xã hội sẽ lên tiếng kêu gọi giúp đỡ, quyên góp tiền bạc.
Nhưng toàn bộ số tiền thu được sẽ chỉ vào túi của scammer mà không phải là để giúp đỡ những người khó khăn ấy.
Cách nhận biết đâu là một Scam
Đối với việc công nghệ ngày càng hiện đại, những kẻ scammer ngày càng có những chiêu trò tinh vi hơn. Dù bạn có cẩn thận đến đâu cũng sẽ rất dễ bị những đối tượng này lừa gạt chiếm đoạt tài sản.
Vì thế, việc tìm hiểu thông tin và nhận biết được những hành vi scam là gì cũng sẽ phần nào giúp bạn tránh được những mất mát không đáng có.
Giả sử, bạn đang lướt một trang web và thấy các thông báo hiện lên theo dạng: “Bạn đã trúng thưởng iPhone”, “Bạn là người thứ 10000 truy cập vào trang web nên nhận được phần quà”,… thì đó chính là scam. Bạn tuyệt đối không nhấp vào các thông báo này để tránh việc bị chuyển hướng sang thông báo giả mạo.
Ngoài ra, ngay cả trên những tin nhắn văn bản giả mạo các mạng thuê bao lớn (Viettel, MobiFone,…) hay những ngân hàng (VPBank, BIDV, Vietcombank,…) được gửi đến số điện thoại của bạn đều có thể là do những scammer gửi đến.
Hãy cảnh giác đối với các tin nhắn có chứa đường link hoặc các thông báo trúng thưởng khiến bạn nghi vấn.
Cách phòng tránh Scam
Với việc scammer ngày càng lộng hành thì việc phòng tránh để không bị lừa gạt là điều cực kỳ cần thiết. Vậy những cách phòng tránh scam là gì?
- Luôn cẩn thận, suy nghĩ kỹ càng, không nên vội vã nghe theo lời người lạ.
- Tìm một người thứ 3 uy tín để làm trung gian trong các cuộc giao dịch giữa bạn với người lạ.
- Kiểm tra và tìm hiểu kỹ trang web trước khi đăng nhập vào.
- Khi mua hàng online, nên tham khảo phần đánh giá của khách hàng. Chỉ mua hàng từ những nơi uy tín, được đánh giá tốt từ các trang Review hoặc từ cộng đồng.
- Không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân quan trọng (số điện thoại, địa chỉ, số CMND/CCCD,…) nào cho người lạ.
- Thực hiện các biện pháp bảo mật nhiều lớp theo yêu cầu của nhà phát hành để tránh bị mất thông tin.
- Không click vào các đường link lạ được gửi đến, không truy cập những trang web yêu cầu đăng nhập tài khoản cá nhân.
Xem thêm:
- PR hộ là gì trên Facebook
- TT là gì trên Facebook?
- Block là gì trên Facebook? Tại sao chỉ vì 1 chút hiểu lầm mà người ta lại block nhau?
Hy vọng với những giải thích xoay quanh vấn đề Scam là gì mà GhienCongNghe gửi đến bạn, bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của những scammer và có thể tránh gặp phải việc bị lừa đảo sau này! Hãy thật cẩn thận bạn nhé.