Table of Contents
CEO của Google là Sundar Pichai vừa qua đã công bố một công cụ chatbot sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) có tên ‘Bard’ mà Google sẽ bắt đầu tung ra trong thời gian tới. Google Bard AI khi được phát hành chính thức tới người dùng sẽ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT của OpenAI.
Cùng GhienCongNghe tìm hiểu qua về công cụ AI Google Bard là gì trong nỗ lực cạnh tranh với sự thành công của ChatGPT trước khi bạn ngỡ ngàng không biết chuyện gì xảy ra với Google Tìm kiếm trong vài tuần tới.
Google Bard là gì?
Giống tương tự như ChatGPT, chatbot AI của Google, Bard được xây dựng dựa trên nền tảng của các bộ thuật toán Deep Learning được gọi là Mô hình ngôn ngữ lớn, sử dụng kiến trúc công nghệ LaMDA (Language Model for Dialogue Applications).
Chatbot AI Bard của Google được thiết kế để kết hợp các kiến thức khổng lồ có từ các website trên internet, dữ liệu truy vấn của người dùng là con người từ cổ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới, AI và mô hình ngôn ngữ LaMDA để cung cấp phản hồi mới nhất và có chất lượng cao.
Sự quan tâm từ người dùng khắp nơi trên thế giới về ChatGPT đã khiến Google tuyên bố tình trạng ‘mã đỏ’ đối với hoạt động kinh doanh từ công cụ tìm kiếm mà lâu nay Google đang ở vị trí độc tôn.
Dưới đây là một số hình ảnh ví dụ về Bard của Google trả lời câu hỏi.
Chúng ta có thể thấy rằng chatbot Bard của Google đã cung cấp câu trả lời dài 3 đoạn cho truy vấn ‘học piano hay guitar dễ hơn và trung bình một người cần luyện tập trong bao lâu?’ trước khi hướng người dùng đến các kết quả khác trên Google.
Một ví dụ khác dưới đây của Google Bard khi được một cậu bé 9 tuổi hỏi về Kính viễn vọng Không gian James Webb và bạn có thể xem cách Bard trả lời trong hình ảnh bên dưới.
Điểm khác nhau giữa ChatGPT và Bard là gì?
Các khả năng mà Bard của Google và ChatGPT của OpenAI cung cấp là gần tương tự nhau. Người dùng sẽ nhập câu hỏi, lời nhắc (Prompt) hoặc yêu cầu dưới dạng văn bản và chatbot sẽ trả lời hoặc phản hồi dưới dạng ngôn ngữ tự nhiên giống con người.
Microsoft và Google cũng đã có kế hoạch nhúng các công cụ chatbot AI này vào dịch vụ tìm kiếm của mình (trong đó có Bing và Google Search), những dịch vụ chiếm phần lớn doanh thu của 2 gã khổng lồ công nghệ.
Mặc dù công nghệ lõi của ChatGPT không mang tính đột phá, nhưng quyết định của OpenAI về việc cung cấp nó miễn phí trên nền tảng web đã khiến hàng triệu người tiếp cận với hình thức trò chuyện với AI mới lạ này.
Sự khác biệt chính giữa Google Bard AI và ChatGPT là khả năng của Google Bard AI có thể phản hồi các sự kiện tức thời mới nhất, điều mà ChatGPT chưa làm được ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù không rõ hai chatbot này sẽ khác nhau như thế nào, nhưng chắc chắn rằng Bard của Google sẽ có quyền truy cập vào nhiều dữ liệu hơn so với ChatGPT.
Bard lấy thông tin từ internet và từ cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới, trong khi ChatGPT chỉ có khả năng phản hồi các dữ liệu có từ trước năm 2021.
Ngoài ra, giữa Bard và ChatGPT đều có sự khác nhau trong kiến trúc học sâu, LaMDA so với GPT-3.
Bard dựa trên LaMDA, viết tắt của Language Model for Dialogue Applications. AI đã tạo ra văn bản với kỹ năng mà một kỹ sư của công ty năm ngoái đã gọi nó là có tri giác.
Còn ChatGPT dựa trên GPT, hay Generative Pre-training Transformer, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2020 và mô hình ngôn ngữ GPT 3.5 đã hoàn thành quá trình đào tạo vào đầu năm 2022, nó được xem là bộ não của ChatGPT.
Làm cách nào để sử dụng AI Google Bard?
Hiện tại, chỉ một số ít người có quyền truy cập vào dịch vụ AI Google Bard cho mục đích thử nghiệm.
Nhưng nếu may mắn và trở thành một trong những người thử nghiệm Google Bard AI trong vài tuần tới theo thông báo từ CEO của Google, tất cả những gì bạn phải làm để sử dụng chatbot AI của Google là mở ứng dụng Google trên điện thoại của mình và nhấn vào biểu tượng chatbot.
Hoặc Google Bard có thể sẽ được tích hợp vào Google Search và có thể được truy cập bằng cách đặt câu hỏi hoặc yêu cầu thông qua thanh tìm kiếm quen thuộc.
Chờ đợi trong thời gian tới, khi Google phát hành Bard là lúc chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về Google Bard là gì và những gì nó có thể làm được, cũng như cách Google kết hợp chatbot AI vào những lĩnh vực kinh doanh chủ yếu đến từ quảng cáo của họ.
Nếu thấy bài viết này hay và thú vị, hãy LIKE & SHARE để ủng hộ GhienCongNghe có thêm động lực phát triển và nhận được nhiều sự chú ý hơn từ những người có cùng sự quan tâm giống bạn nhé.