Table of Contents
Cùng với sự phát triển của công nghệ, cụm từ “khoa học máy tính” đang dần trở xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Đây không chỉ là một khái niệm phức tạp liên quan đến công nghệ mà còn là một ngành học đang ngày càng hot. Cùng GhienCongNghe tìm hiểu lĩnh vực khoa học máy tính là gì đang còn khá mới mẻ này và cơ hội ở ngành này trong tương lai như thế nào nhé.
Khoa học máy tính là gì?
Theo định nghĩa trên Wikipedia, khoa học máy tính (computer science), đây là ngành khoa học nghiên cứu cơ sở lý thuyết về thông tin, tính toán, và cách thực hiện cũng như ứng dụng của chúng trong hệ thống máy tính. Đây là định nghĩa cơ bản và chung nhất cho khoa học máy tính là gì.
Có nhiều ngành hẹp được chia ra trong khoa học máy tính, ví dụ như đồ họa máy tính chủ yếu tập trung vào ứng dụng thực tiễn của ngành, hoặc một số ngành khác đi sâu vào cách thực hiện phương pháp tính toán như lý thuyết ngôn ngữ lập trình và ngành lập trình. Ngoài ra, còn có ngành tương tác người-máy đi sâu vào nghiên cứu những thách thức cản trở việc đưa máy tính, việc tính toán gần gũi hơn với người dùng.
Có nên học ngành Khoa học máy tính?
Sau khi đã hiểu định nghĩa của ngành, nhiều người tự hỏi có nên theo học khoa học máy tính hay không? Trên thực tế, có ít người chọn theo ngành khoa học máy tính. Để tìm hiểu lý do cho việc này, Dan Wang, một cây viết chuyên về mảng công nghệ đã đăng bài trên blog và nhận được ba lời giải thích phổ biến nhất như sau.
- Đây là một chuyên ngành khó.
- Không nhất thiết có bằng khoa học máy tính mới làm được developer.
- Xu hướng phát triển của các ngành không ảnh hưởng nhiều tới lựa chọn ngành nghề.
Ngành khoa học máy tính khó nhưng không phải quá khó so với nhiều ngành khoa học – kỹ thuật đang ngày càng phổ biến hiện nay. Hơn nữa, khoa học máy tính cũng đang trở nên cần thiết hơn khi xu hướng công nghệ hóa và thông minh hóa mọi thứ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Do đó, để trả lời cho câu hỏi có nên học ngành khoa học máy tính hay không, bạn cần biết rõ mình có những tố chất phù hợp và có yêu thích ngành này hay không. Đáp án cho câu hỏi này sẽ khác nhau với từng người.
Phân biệt khoa học máy tính và công nghệ thông tin
Hiểu khoa học máy tính là gì vẫn chưa đủ, bạn còn cần phân biệt được ngành này với công nghệ thông tin vốn đang rất phổ biến hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh huyền, Trưởng Bộ môn Tin học, Khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), có nhiều điểm giao thoa nên nhiều người còn chưa phân biệt được Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin.
Bà cho biết ngành Khoa học máy tính đào tạo về cách máy tính hoạt động, từ đó ứng dụng như thế nào trong phân tích, cài đặt, thiết kế các hệ thống phần mềm. Ngành này cung cấp cho sinh viên kiến thức về hệ thống máy tính và kiến trúc máy tính, tổ chức dữ liệu, thuật toán, lập trình, và chuyên sâu về lý thuyết thuật toán, học máy, tối ưu hóa, vv.
Ngược lại, Công nghệ thông tin tập trung vào việc sử dụng công cụ phần cứng, phần mềm phục vụ cho việc xây dựng giải pháp lưu trữ, xử lý thông tin cho cá nhân, tổ chức. Ngành này đi sâu vào đào tạo thiết kế, quản trị cơ sở dữ liệu, cũng như mạng máy tính, truyền thông, và an ninh hệ thống máy tính.
Nhìn chung, ở góc độ đào tạo, hai ngành này có nhiều nội dung cơ bản chung nhau. Điểm khác biệt là chuyên sâu về lập trình và thuật toán hay công nghệ cho lưu trữ, truyền thông, và xử lý thông tin.
Nên học Khoa học máy tính hay Công nghệ thông tin
Việc nên hay không nên học ngành nào phụ thuộc vào sở thích và thế mạnh của từng người. Tuy nhiên, vì đặc tính từng ngành nên có dựa vào những điểm sau đây để giúp bạn quyết định nên chọn ngành nào.
- Khoa học máy tính: phù hợp cho những người yêu thích nghiên cứu, tìm tòi chuyên môn về máy tính, những người ít giao tiếp, thích tiếp xúc với máy tính trong thời gian dài.
- Công nghệ thông tin: phù hợp với những ai thích cập nhật thông tin mới về thay đổi, xu hướng công nghệ trên thế giới, thích giao tiếp, tạo nên các sản phẩm công nghệ tiên tiến.
Ngành Khoa học máy tính thi khối nào?
Nếu muốn thi ngành Khoa học máy tính, bạn có thể thi các khối sau:
- A00: Toán, Lý Hóa.
- A01: Toán, Lý, Anh.
- A02: Toán, Lý, Sinh.
Ngành Khoa học máy tính điểm chuẩn
Điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính dao động theo từng năm và khác nhau giữa các trường. Bạn có thể tham khảo biến động điểm theo từng năm ở dưới đây:
- 2020: 15 đến 27.2 điểm.
- 2019: 14 đến 25.5 điểm.
- 2018: 14 đến 22 điểm.
- 2017: 15 đến 26.5 điểm.
Học ngành Khoa học máy tính ở đâu?
Tự học khoa học máy tính
Nếu muốn tự học khoa học máy tính, bạn có thể tìm hiểu các khóa học online như OpenCourseWare của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các khóa học trên Coursera với thông tin đánh giá, số lượng người học đã tham gia và phân chia cấp độ từ Beginner đến Advanced.
Ngành Khoa học máy tính học trường nào?
Dành cho những ai băn khoăn trường nào đào tạo ngành Khoa học máy tính, sau đây là top 10 trường tốt nhất để theo học ngành này:
- Trường Đại Học Bách Khoa – Đại Học Quốc Gia TPHCM.
- Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Thái Nguyên.
- Trường Đại Học FPT.
- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
- Trường Đại học Công nghệ Hà Nội.
- Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM.
- Đại học Công nghiệp Hà Nội.
- Đại học Cần Thơ.
Ngành Khoa học máy tính Bách Khoa
Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường đại học có tiếng ở Việt Nam với điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính cao nhất cả nước với điểm số 29,4. Chương trình đào tạo ở đây cũng khắt khe, “ám ảnh” nhiều thế hệ sinh viên. Tuy nhiên, nhờ chất lượng đầu ra tốt, đây vẫn là cái tên hot cho các ngành ở mảng công nghệ, máy tính, kỹ thuật.
Ngành Khoa học máy tính có khó không?
Ngành Khoa học máy tính có độ khó nhất định, nhưng nó không quá khó so với các ngành khác. Do đó, nếu yêu thích, có thế mạnh liên quan, và muốn theo ngành này thì các bạn nên mạnh dạn đăng ký.
Các môn khoa học máy tính
Theo website chính thức của Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi theo học ngành Khoa học máy tính, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về hệ thống máy tính; cấu trúc dữ liệu và giải thuật; kỹ thuật lập trình; cơ sở dữ liệu; phân tích thiết kế và phát triển phần mềm; trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu; quản lý dự án…
Ngoài ra, người học còn được trang bị kiến thức chuyên sâu như các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm, quản lý các dự án phần mềm, các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin.
Ngành Khoa học máy tính ra trường làm gì?
Với bằng cử nhân ngành Khoa học máy tính, bạn có thể làm các công việc sau: Lập trình viên, kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển; chuyên viên kỹ thuật tại các phòng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc các tổ chức Nhà nước. Sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng có thể làm các công việc liên quan đến phát triển phần mềm, hệ thống thông tin,…
Ngành Khoa học máy tính có dễ xin việc không?
Do xu hướng phát triển, ngành này hiện được đánh giá có cơ hội xin việc tốt. Tuy nhiên, cơ hội tốt hay không tốt như thế nào với từng người còn phụ thuộc vào năng lực thực tế, tinh thần chịu khó học hỏi, và các tố chất khác.
Mức lương ngành Khoa học máy tính
Trên thế giới, mức lương dành cho ngành Khoa học máy tính dao động từ 68.600 USD đến 114.700 USD cho người mới ra trường đến tầm trung. Mức lương có thể cao hơn tùy năng lực, kinh nghiệm, và tổ chức.
Lương ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam
Mức lương dành cho sinh viên mới ra trường có thể từ mức 6 triệu đồng/tháng, mức lương trung bình từ 10-20 triệu đồng/tháng, mức lương sẽ được đẩy cao hơn với người có năng lực và kinh nghiệm dày dặn.
Tương lai ngành Khoa học máy tính
Trên thực tế, ngành Khoa học máy tính đang có tương lai đầy hứa hẹn về sự phát triển ngành bởi xu hướng sử dụng dịch vụ online, cổng thông tin online, robot, trí tuệ nhân tạo,… Từ đó, cơ hội việc làm cũng mở rộng và đa dạng nghề cho các bạn trẻ lựa chọn.
Qua bài viết này, GhienCongNghe hy vọng đã giúp bạn nắm được thông tin toàn diện về ngành Khoa học máy tính và những cơ hội đi kèm khi theo học ngành này ở Việt Nam.
Xem thêm:
- Outsourcing là gì mà được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng
- File server là gì và cách hoạt động của file server
Nếu bạn thấy bài viết về chủ đề ngành Khoa học máy tính là gì hữu ích thì hãy Like và Share để GhienCongNghe có thể tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng hơn nữa nhé.