Table of Contents
Đối với những bạn nào có nhu cầu dùng thêm nhiều cổng USB để kết nối thêm nhiều thiết bị ngoại vi khác vào máy tính, ắt hẳn bạn sẽ cần sử dụng đến 1 bộ chia cổng USB gắn vào một trong những cổng USB trên máy tính của mình. Trong hầu hết mọi trường hợp, thiết bị sẽ được nhận diện thành công, nhưng đôi lúc cổng USB trên máy hay trên bộ chia gặp phải lỗi USB Device Not Recognized khiến cho bạn không thể sử dụng thiết bị ngoại vi mình mong muốn.
Điều kỳ cục ở đây đó là cho phần cứng của các cổng kết nối vẫn hoạt động bình thường, mình vẫn có thể dùng để sạc pin điện thoại mà chẳng có vấn đề gì, nhưng khi gắn camera hay webcam vào cùng cổng đó thì máy lại chẳng nhận.
Sau khi dành ra một khoảng thời gian cố gắng tìm hiểu hàng loạt cách khác nhau để giải quyết vấn đề này, chỉ có một giải pháp có thể coi là hiệu quả đối với GhienCongNghe. Mình sẽ đề xuất giải pháp trước tiên, nhưng cũng sẽ cung cấp thêm một số giải pháp khả thi khác, nếu như giải pháp đầu tiên không hoạt động đối với một số bạn.
À, hãy cũng xem qua video này để fix lỗi biểu tượng USB không hiện trên Windows (nếu có) nhé.
Phương pháp 1 – Xử lý lỗi USB Device Not Recognized bằng cách ngắt nguồn điện
Khi gặp lỗi USB Device Not Recognized, mình đã làm như thế nào để fix nó đây? Đây có thể là giải pháp ăn may siêu đơn giản luôn! Nếu gặp lỗi, hãy cứ thử dùng cách này xem, biết đâu lại hiệu quả và bạn sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian đấy.
Hãy đơn giản ngắt máy tính ra khỏi nguồn điện. Chỉ vậy thôi! À và lưu ý cho mình là rút dây điện cho ngắt nguồn hoàn toàn chứ không phải shutdown máy nhé, vì một số bo mạch chủ thế hệ mới sau khi shutdown vẫn còn duy trì hoạt động khi kết nối nguồn. Tính năng này khá hữu ích khi bạn muốn khởi động máy tính từ xa…v.v..
Bo mạch chủ (motherboard) là nơi kết nối của tất cả các phần cứng trên máy tính, bao gồm các cổng kết nối USB. Thỉnh thoảng bo mạch chủ cũng cần phải “khởi động lại” bởi sẽ có một vài lỗi nhỏ xảy ra trong quá trình vận hành, ví dụ: các cổng USB đột nhiên ngừng hoạt động. Khi ngắt nguồn, các linh kiện vi xử lý của bo mạch chủ sẽ được khởi động và nạp lại driver cho cả hệ thống và qua đó có thể khắc phục được lỗi USB Device Not Recognized.
Thế nên, đầu tiên, hãy Shutdown máy tính trước hoặc nhấn giữ nút nguồn cho máy tắt hẳn. Sau đó ngắt máy tính khỏi nguồn điện, đợi vài phút sau đó mới cắm lại và bật máy.
Phương pháp 2 – Cập nhật Driver cho thiết bị.
Nếu như Windows không nhận ra thiết bị mỗi khi cắm vào, hãy lướt qua phần Device Manager bằng cách click vào Start và nhập dòng chữ devmgmt.msc hoặc truy cập Control Panel và click vào Device Manager.
Trong trường hợp này, bạn hãy nhấn chuột phải vào Unknown Device, click vào Properties và sau đó chọn tab Driver, click vào Update Driver.
Nếu cách này không hiệu quả, bạn có thể thử tải driver của thiết bị từ website của nhà cung cấp. Nếu thiết bị bạn sử dụng là bộ nhớ USB, cắm vào và gặp lỗi USB Device Not Recognized thì đây có thể không phải là vấn đề liên quan đến driver. Tuy nhiên, nếu như bạn cài đặt driver cho máy in, thiết bị hỗ trợ vẽ như wacom, v…v. Hãy nên thử cách tìm kiếm Driver chuyên biệt cho thiết bị từ website của nhà sản xuất nhé.
Phương pháp 3 – Khởi động lại & Rút thiết bị USB khỏi máy tính
Cách tiếp theo mà bạn có thể thực hiện đó là hãy thử ngắt kết nối toàn bộ thiết bị đang gắn vào cổng USB trên máy tính, sau đó khởi động lại. Sau khi khởi động xong, hãy thử kết nối lại các thiết bị vào cổng USB trước đó gặp lỗi USB Device Not Recognized.
Nếu như khởi động lại, kết nối thiết bị mà máy vẫn không nhận. Hãy thử cắm vào cổng USB khác thử xem sao. Nếu toàn bộ cổng USB trên máy vẫn không nhận thiết bị, hãy thử thêm một vài cách sau đây nhé.
Phương pháp 4 – USB Root Hub
Một cách khác bạn có thể thử nếu như 3 cách trên không hiệu quả và vẫn xuất hiện lỗi USB Device Not Recognized. Mở Device Manager, ấn vào mũi tên để mở rộng dòng USB Serial Bus Controlllers, ấn chuột phải vào USB Root Hub và sau đó click vào Properties.
Click vào tab Power Management và bỏ chọn ô Allow the computer to turn off this device to save power. Nếu như bạn thấy có nhiều dòng USB Root Hub trong danh sách như hình trên, bạn hãy lặp lại các bước cho từng cái một trong phương pháp số 4 này.
Click OK và sau đó khởi động lại máy tính. Hãy thử kết nối lại thiết bị qua cổng USB và xem lỗi USB Device Not Recognized đã được khắc phục chưa nhé. Nếu vẫn chưa được, hãy mở lại tab Power Management của từng cái và thực hiện lại như trên (bỏ tick chọn ô Allow the computer to turn off this device to save power). Nếu máy nhận được thiết bị, hãy cứ để nguyên như vậy nhé.
Phương pháp 5 – Kết nối trực tiếp thiết bị với PC
Một người bạn của tôi đã gặp phải lỗi USB Device Not Recognized và nguyên nhân là do bộ chia cổng USB đang dùng. Anh ấy chỉ có ba cổng USB trên máy tính của mình, vì vậy anh ấy đã phải sắm thêm một bộ chia cổng USB thể kết nối thêm 8 thiết bị USB cùng lúc.
Và mình cho rằng 8 thiết bị cùng kết nối vào 1 bộ chia có thể trở thành một gánh nặng cho máy tính của anh ấy, và y như vậy, một vài vấn đề phát sinh, máy tính của bạn tôi bắt đầu gặp lỗi USB Device Not Recognized. Sau khi tháo bộ chia cổng USB ra và kết nối thiết bị trực tiếp với máy tính, may mắn thay nó lại hoạt động tốt.
Thực sự chẳng có giải pháp nào để khắc phục vấn đề này, ngoại trừ việc giảm số lượng thiết bị kết nối cùng lúc vào bộ chia cổng USB. Trên thực tế, vẫn có giải pháp cho vấn đề này, đó là bạn phải sắm một bộ chia cổng USB khác với khả năng chịu tải cao hơn.
Nếu bạn đang dùng Windows 8 hoặc Windows 8.1 mà lại gặp lỗi USB Device Not Recognized, thì thật may cho bạn. Microsoft đã phát hành bản sửa lỗi USB Device Not Recognized cho Windows 8. Để khắc phục, hãy đảm bảo là bạn đã cập nhật phiên bản mới hơn cho hệ điều hành trên máy của mình.
Phương pháp 6 – USB Troubleshooter
Nếu như tất cả các phương pháp kể trên đều không hoạt động, bạn có thể tải về bộ công cụ Windows USB Troubleshooter, đây là bộ công cụ miễn phí hoạt động trên Windows XP, Vista và Windows 7.
Bạn có thể dùng cả 2 tùy chọn như hình, để phần mềm tự động sửa lỗi hoặc tự chọn lỗi cần sửa. Mình thì sẽ chọn để máy tự động sửa lỗi, vì đối với người mới, tính năng số 2 có vẻ khá là phức tạp.
Phương pháp 7 – Cập nhật Generic USB Hub
Nếu như bạn gặp phải thông báo Unknown Device trong Device Manager, bạn có thể thử cách khác. Mở Device Manager và sau đó ấn mũi tên để mở rộng dòng Universal Serial Bus Controllers.
Bạn có thể thấy ít nhất một dòng mang tên Generic USB Hub. Ở một số máy tính, bạn có thể thấy 2 hoặc 3 hay nhiều dòng tương tự như vậy. Ấn chuột phải vào cái đầu tiên, và chọn Update Driver Software.
Khi hộp thoại cập nhật xuất hiện, chọn Browse my computer for driver software.
Sau đó click vào dòng Let me pick from a list of device drivers on my computer ở dưới cùng.
Từ danh sách như hình trên, hãy chọn Generic USB Hub. Thường thì danh sách trên thường là trống, ngoại trừ 1 chọn lựa duy nhất là Generic USB Hub. Click Next sau đó click Close sau khi quá trình cài đặt hoàn tất.
Phương pháp 8 – Gỡ cài đặt thiết bị
Hãy thử gỡ cài đặt thiết bị USB khỏi hệ thống và sau đó khởi động lại máy. GhienCongNghe xem đây là giải pháp cuối cùng ngay cả khi Windows thường tự động nhận diện bộ điều khiển USB, các cổng hub và các thiết bị khác, đôi khi tiến trình nhận dạng có thể hoạt động không ổn định và các cổng USB sẽ không hoạt động được.
Mình cũng có một chiếc máy tính khác với 6 cổng USB và chỉ có 1 cổng duy nhất hoạt động không ổn định. Mình đã thử gỡ cài đặt nó trong USB Serial Bus Controller trong Device Manager và sau đó khởi động lại máy. Xui xẻo thay, sau khi khởi động máy, hệ điều hành lại không nhận được cổng USB nữa, vì thế hãy cẩn thận với phương pháp này nhé.
Truy cập vào Device Manager và bắt đầu gỡ cài đặt từng biểu tượng USB trong USB Serial Bus Controllers. Hãy thận trọng khi gỡ cài đặt bởi có thể bạn sẽ gỡ nhầm các phần đang hoạt động bình thường, hãy tìm xem những dòng nào có biểu tượng tam giác vàng + dấu than (như hình) đó là dấu hiệu cho thấy thiết bị bị liệt kê vào danh sách Unknown Device
Phương pháp 9 – Gỡ cài đặt các thiết bị bị ẩn
Theo mặc định, Device Manager không hiển thị tất cả các thiết bị đã được cài đặt vào hệ thống. Nó chỉ hiển thị một cách cơ bản những thiết bị đang kết nối ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu như bạn cài đặt máy in qua cổng USB trước đó và không còn sử dụng nữa, bộ cài vẫn nằm ở đó, nhưng sẽ không hiển thị trong Device Manager.
Một số thiết bị USB bị ẩn có thể gây nên xung đột với các thiết bị đang kết nối trong hệ thống và dẫn đến lỗi USB Device Not Recognized. Bạn có thể xem được các thiết bị bị ẩn trong Device Manager bằng cách mở Command Prompt và sau đó nhập vào những dòng lệnh sau:
set DEVMGR_SHOW_DETAILS=1
set DEVMGR_SHOW_NONPRESENT_DEVICES=1
start devmgmt.msc
Khi Device Manager xuất hiện, bạn hãy click menu View và sau đó click vào Show Hidden Devices.
Giờ nếu bạn muốn mở rộng các phần Imaging Devices, Universal Serial Bus Controllers hoặc Unknown Devices thì đã có thể làm được rồi đó. Nếu bạn xem trong danh sách mà thấy những dòng bôi xám có chữ Unknown Device, hãy cứ click chuột phải, chọn Uninstall. Có thể sau bước này lỗi USB Device Not Recognized sẽ được giải quyết triệt để.
Một vài giải pháp khả thi khác.
Nếu bạn đang đọc tới đây rồi, thì có nghĩa là những giải pháp trên đều không hoạt động được, nhưng vẫn còn có một nguyên nhân khác không thể bỏ qua đó là lỗi phần cứng. Bạn hãy thử kết nối thiết bị với một máy tính khác xem nó có hoạt động được hay không. Nếu vẫn không hoạt động, gần như chắc chắn là thiết bị của bạn đang gặp vấn đề.
Giải pháp # 1 – Hãy thử dùng một cọng cáp USB thay thế khác để kết nối thiết bị với máy tính.
Giải pháp # 2 – Một giải pháp khả thi khác đó là hãy kết nối thiết bị với máy tính khác và nếu nó hoạt động bình thường, hãy ngắt kết nối một cách cẩn thận trước khi cắm thiết bị vào máy tính ban đầu bởi vì mình đã thấy một số vấn đề xảy ra với ổ USB khi rút nóng thiết bị ra khỏi máy tính. Sau khi ngắt kết nối an toàn và cắm lại vào máy tính ban đầu, đột nhiên thiết bị lại được nhận dạng tốt và không còn lỗi USB Device Not Recognized.
Giải pháp # 3 – Một số người đã may mắn được giải thoát khỏi vấn đề đau não này bằng cách cập nhật BIOS. Bạn cũng có thể vào BIOS và tắt cổng USB, khởi động lại máy tính rồi bật lại cổng USB. Điều duy nhất bạn cần làm là đảm bảo bạn có cổng PS2 trên máy tính của mình, nếu không, bạn sẽ không thể làm gì sau khi tắt USB trong BIOS nếu bàn phím và chuột của bạn được kết nối qua USB.
GhienCongNghe hy vọng rằng những giải pháp nêu trên sẽ giải quyết được lỗi USB Device Not Recognized mà bạn gặp phải. Nếu thấy bài viết có ích hãy nhấn Like & Share để ủng hộ team cho ra những bài viết chất lượng hơn nhé.
Tham khảo Online-tech-tips.com