Table of Contents
Hiện nay, có rất nhiều giao thức truyền dữ liệu trên Internet. Trong đó, phổ biến có lẽ là giao thức truyền tải TCP. Vậy TCP là gì? Cùng GhienCongNghe tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé.
Giao thức TCP là gì?
TCP là viết tắt của cụm từ Transmission Control Protocol, tức là giao thức điều khiển truyền nhận. Giao thức này đóng vai trò kiểm tra và đảm bảo sự chuyển giao thông tin từ nơi nguồn tới nơi nhận một cách an toàn và đúng thứ tự.
Hơn nữa, giao thức TCP đảm bảo không xảy ra sự chậm trễ trong đường truyền làm ảnh hưởng đến chất lượng gói tin. Bên cạnh đó, TCP là giao thức hướng kết nối, nghĩa là phải thiết lập kết nối trước khi truyền dữ liệu.
Sự khác nhau giữa IP và TCP là gì?
Giao thức TCP kết hợp với IP (Giao thức liên mạng) và trở thành bộ giao thức TCP/IP. Đây là bộ giao thức điều khiển truyền thông giữa tất cả các máy tính trên Internet. Trong đó, IP thêm các thông tin đường dẫn vào các gói tin để các gói tin được chuyển tiếp đến đúng đích và TCP kiểm tra và kiểm soát độ tin cậy của truyền dẫn.
TCP hoạt động như thế nào?
Quá trình giao vận của TCP bao gồm 3 bước.
Bước 1: Thiết lập kết nối
Client gửi một gói tin có cờ SYN cho server để yêu cầu mở cổng dịch vụ. Sau khi nhận được gói tin, server gửi lại gói tin có cờ SYN-ACK để xác nhận. Sau khi kết nối đã được thiết lập, client gửi tới server gói tin ACK để đáp ứng nhu cầu của server.
Bước 2: Truyền dữ liệu
TCP dán nhãn các gói tin theo dạng đánh số. Với mỗi gói tin nhận được, thiết bị sẽ yêu cầu bên nhận gửi phản hồi đã nhận được cho bên gửi thông qua một gói xác nhận. Tin báo nhận chính là tín hiệu về tình trạng đường truyền giữa hai bên. Sau khi hết thời gian chờ, không nhận được xác nhận, nguồn gửi sẽ gửi lại gói tin bị mất hoặc bị hoãn. Nhờ vậy, các vấn đề về lặp gói tin, truyền lại các gói dữ liệu bị hỏng hoặc mất và sai thứ tự gói tin đều được giải quyết.
Bước 3: Kết thúc kết nối
Khi muốn đóng liên kết, bên client sẽ gửi đi một gói tin FIN cho server. Sau khi nhận được gói FIN, server gửi lại gói ACK để hồi đáp, đồng thời vào trạng thái đóng liên kết và gửi tiếp gói FIN. Sau khi client nhận được gói FIN, client sẽ gửi gói ACK để xác nhận. Cuối cùng, server nhận được gói ACK xác nhận và đóng liên kết.
Các lớp mô hình TCP là gì?
TCP hoạt động dựa trên mô hình client-server. Trong mô hình đó, client gửi yêu cầu đến server và đợi câu trả lời. Đồng thời, server chấp nhận tất cả các yêu cầu hợp lệ từ client và phản hồi những yêu cầu đó.
Các bước cần thực hiện trên client và server như sau.
Phía client:
- Tạo một đối tượng.
- Kết nối với server.
- Lấy luồng giao tiếp.
- Thực hiện giao tiếp với server.
- Đóng luồng và socket.
Phía server:
- Tạo một đối tượng để bắt đầu “lắng nghe” trên một cổng cục bộ.
- Đợi và chấp nhận kết nối từ client.
- Thực hiện giao tiếp với client.
- Đóng socket.
Các loại giao thức TCP
Các giao thức TCP được sử dụng phổ biến hiện nay là HTTP, HTTPS và FTP.
- HTTP là giao thức truyền tải siêu văn bản được sử dụng cho World Wide Web (www). Giao thức này có cổng mặc định là TCP 80, đồng thời các cổng khác cũng có thể được sử dụng. HTTP được sử dụng để phân phối dữ liệu như các tệp HTML, các file ảnh giữa một web client và một web server. HTTP xác định cách client gửi một yêu cầu đến server và cách server phản hồi yêu cầu này.
- HTTPS là giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật và là phiên bản an toàn của HTTP. Giao thức HTTPS thường được dùng để gửi dữ liệu cần bảo mật cao như giao dịch ngân hàng hoặc dữ liệu cá nhân.
- FTP là giao thức truyền tập tin giữa hai hoặc nhiều máy tính thông qua Internet. Giao thức này hoạt động chủ yếu trên 2 cổng là 20 và 21. FTP giúp các máy tính có thể gửi và nhận dữ liệu một cách trực tiếp.
Dữ liệu của bạn có an toàn trong giao thức TCP
Tới đây, bạn đã biết về TCP là gì và phương thức hoạt động của giao thức này. Vậy dữ liệu của bạn có an toàn trong giao thức TCP?
Sau khi kết nối được thực hiện, TCP sẽ giúp di chuyển dữ liệu theo hai chiều. Giao thức này cung cấp các chức năng sửa lỗi và xử lý kiểm soát luồng nhằm đảm bảo việc phân phối gói tin đến người nhận. Nếu bất kỳ gói tin nào bị mất, TCP sẽ khôi phục dữ liệu và gửi lại.
Vì vậy, TCP đảm bảo chất lượng gói tin và có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, nó tiêu tốn khá nhiều thời gian để kiểm tra và kiểm soát dữ liệu. Bởi vậy, TCP thường được dùng trong các trường hợp yêu cầu độ tin cậy cao nhưng không yêu cầu tốc độ như web hay email.
Xem thêm:
- HTML là gì? Cách hiểu đơn giản giúp bạn chữa bệnh mù công nghệ
- 127.0.0.1 là gì mà thỉnh thoảng lại thấy dãy số này hiển thị ở đâu đó trên máy tính
- HTTP và HTTPS: Sự khác biệt là gì?
Trên đây là những giải đáp về TCP là gì và phương thức hoạt động của nó. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy Like và Share để GhienCongNghe tiếp tục ra những bài viết chất lượng nữa nhé.