Table of Contents
Swap là gì, cách tính Swap như thế nào, cách tận dụng Swap ra sao để tăng lợi nhuận… Đây là những câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm mỗi khi tham gia vào thị trường Forex, thị trường ngoại hối. Nhận được sự quan tâm nhiều đến thế là vì Swap hay đúng hơn là phí Swap sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng. Trong bài viết sau đây, GhienCongNghe sẽ giúp bạn tìm hiểu xem Swap là gì và đâu là cách tận dụng Swap một cách thông minh để tăng lợi nhuận. Bắt đầu thôi.
Swap là gì?
Đầu tiên chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu Swap là gì. Swap hay còn gọi là phí qua đêm, là lãi suất được áp dụng cho tất cả các lệnh giao dịch mở qua đêm cho ngày giao dịch tiếp theo trên các sàn giao dịch ngoại hối (Forex). Phí qua đêm Swap được thể hiện ngay trên trạng thái của một lệnh giao dịch do đó bạn rất dễ dàng nắm bắt. Nếu giá trị Swap dương có nghĩa là bạn sẽ được công thêm tiền vào tài khoản của mình còn nếu như âm thì tài khoản của bạn sẽ bị trừ chi phí đi.
Phí Swap được tính mỗi ngày chỉ ngoại trừ những ngày cuối tuần khi không có giao dịch nào xảy ra. Và vào thứ Tư thì mức phí này sẽ gấp 3 lần để bù cho ngày cuối tuần tiếp theo khi mức phí Swap không được tính.
Nguyên nhân ra đời của Swap là gì?
Vậy một câu hỏi tiếp theo là nguyên nhân ra đời của Swap là gì? Việc phí Swap ra đời liên quan đến việc nhà giao dich (Trader) giữ lệnh qua đêm. Hiểu một cách đơn giản là như thế này: Trong một thị trường cơ bản, các giao dịch có xu hướng thanh toán sau 2 ngày làm việc, điều này có nghĩa là nếu giao dịch của bạn thực hiện vào thứ Hai thì sẽ được thành toán vào ngày thứ Tư.
Nếu bạn dời ngày giao dịch sang một ngày khác không phải là thứ Hai, thì đồng nghĩa với việc ngày thanh toán cũng sẽ bị thay đổi đúng với số ngày thay đổi giao dịch. Thì chi phí cho việc thay đổi ngày giao dịch này chính là phí Swap và chi phí này phụ thuộc trực tiếp vào lãi suất của thị trường liên ngân hàng hay đúng hơn là các ngân hàng trung ương.
Trên thực tế, lãi suất giữa 2 quốc gia thường khác nhau và sự chênh lệch về lãi suất của đồng tiền các quốc gia được các ngân hàng trung ương đưa ra chính là cơ sở hình thành nên chi phí Swap trong sàn giao dịch ngoại hối Forex.
Những đặc điểm của phí Swap là gì mà nhà đầu tư cần nắm
Tiếp đến là những đặc điểm của phí Swap mà các nhà đầu tư ngoại hối cần phải nắm rõ:
- Swap được áp dụng trong trường hợp vị thế (Position) được mở cho đến ngày tiếp theo
- Một số cặp tiền tệ trong thị trường Forex có thể có Swap âm (lãi suất phải trả) ở cả vị thế Long (Mua) và Short (Bán)
- Mỗi cặp tiền tệ trong Forex có tỷ lệ Swap riêng và được tính trên khối lượng tiêu chuẩn 1 lot.
Lot hay Lô, là đơn vị tiền tệ cụ thể mà bạn sẽ mua hoặc bán trên thị trường giao dịch ngoại hối giao ngay (Spot Forex). Kích thước chuẩn của 1 Lot là 100.000 đơn vị tiền tệ nhưng bạn có thể lựa chọn nhiều loại Lot khác nhau như Mini (10.000), Micro (1000) hay Nano (100) đơn vị tiền tệ.
- Vào đêm thứ Tư, phí swap sẽ được tính gấp 3 lần so với bình thường. Bởi vì theo cơ chế thanh toán như đã đề cập ở trên, nếu bạn giữ vị thế từ đêm thứ Tư qua thứ Năm, thì ngày thanh toán sẽ chuyển từ thứ Sáu qua Thứ Bảy, nhưng thị trường Forex không hoạt động vào thứ Bảy và Chủ Nhật do đó thời điểm giao dịch phải chuyển sang thứ Hai, chính vì thế Swap vào ngày thứ Tư gấp 3 lần là do cộng thêm phí swap của 2 ngày cuối tuần.
Cách tính phí Swap
Vậy cách tính phí Swap như thế nào? Các bạn có thể tính phí Swap theo công thức dưới đây:
Phí Swap = Khối lượng giao dịch (Lot) x Tỉ lệ Swap theo Pip x Giá trị của 1 Pip.
Một ví dụ minh họa: Nếu bạn đang có cặp tiền EUR/USD có tỷ giá Bid:Ask là 1.11734:1.11735 với khối lượng giao dịch là 5 lot. Swap long là -8.02 và Swap short: 4.68.
Đối với cặp XXX/USD, 1 pip = 0.0001 USD
Đối với cặp USD/XXX, 1 pip = 0.0001 XXX = (0.0001/tỷ giá) USD
Đối với cặp USD/JPY, 1 pip = 0.01 JPY = (0.01/tỷ giá) USD
Đối với cặp XXX/JPY, 1 pip = 0.01 JPY = (0.01/tỷ giá) XXX
Trong đó XXX là là ký hiệu của một loại tiền tệ bất kỳ
Trường hợp bạn đặt lệnh Buy thì Swap nhận được = 500.000 x (-8.04/10) x 0.0001= -40.2 USD
Trường hợp bạn đặt lệnh Sell thì Swap phải trả = 500.000 x (6.48/10) x 0.0001 = 32.4 USD
Thời gian tính phí Swap
Một trong những điều mà giới trader quan tâm nữa đó chính là thời gian tính phí Swap. Cho những bạn chưa biết thì thời gian tính phí Swap rơi vào khoảng từ 22:00 GMT đến 24:00 GMT và còn theo quy định của từng sàn giao dịch thì thời gian này sẽ khác nhau. Bạn có thể nắm được khoảng thời gian này rất dễ dàng bằng cách tìm hiểu về quy định của sàn, hỏi nhân viên tư vấn tại sàn hoặc qua đường dây hỗ trợ.
Một ví dụ minh họa cho dễ hiểu thì nếu như bạn quyết định mở giao dịch vào lúc 21:59 thì bạn sẽ bị tính phí. Còn nếu trong khoảng từ 22:01 thì bạn sẽ không bị mất phí Swap.
Thêm một lưu ý nữa là theo quy định thì phí Swap sẽ được tính cho toàn bộ 7 ngày trong tuần, mà trên thực tế ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật sàn sẽ nghỉ và không có giao dịch nào cả nên phí Swap cho 2 ngày cuối tuần này sẽ được cộng dồn vào ngày thứ 4. Do đó mức phí Swap ngày thứ 4 sẽ cao gấp 3 lần ngày thường. Các bạn hãy lưu tâm điều này nhé.
Cách tận dụng Swap thông minh để tăng lợi nhuận
Khi bạn là 1 trader thường xuyên giao dịch lướt sóng thì không cần quan tâm đến phí Swap là gì. Tuy nhiên nếu bạn thực hiện giao dịch theo trường phái dài hạn thì bạn cần phải để ý tới khoản phí Swap này.
Có rất nhiều cặp tiền tệ trong Forex có phí Swap rất cao như vàng hay 1 số cặp tiền tệ ngoại như EURZAR nên bạn cần biết cách tận dụng phí Swap hiệu quả để có thể giúp tài khoản của bạn tăng lợi nhuận một cách đáng kể.
Đầu tiên là chọn giao dịch các cặp tiền tệ có Swap dương
Một điều nên nhớ là khi tiến hành giao dịch lâu dài thì bạn nên kiểm tra phí Swap của từng cặp tiền tệ, bạn hãy ưu tiên những cặp cộng phí giao dịch qua đêm để được hưởng lợi từ đó.
Việc tận dụng phí Swap gấp 3 vào ngày thứ Tư
Gấp 3 lần phí Swap sẽ mang lại cho bạn một khoản lợi nhuận kha khá nếu bạn có thể tận dụng điểm này để tiến hành giao dịch. Ngoài ra, khi bạn xác định để lệnh qua đêm hãy nới stop loss (lệnh cắt lỗ) để tránh việc bị quét lệnh bởi lẽ các sàn giao dịch vào thời điểm mới mở cửa spread sẽ vô cùng dãn.
Và trên đây những chia sẻ của GhienCongNghe về Swap là gì. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì xoay quanh việc Swap là gì thì các bạn có thể để lại bình luận bên dưới chúng mình sẽ giải đáp. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo một số bài viết khác dưới đây:
- DeFi là gì? Những điều cần biết trước khi tham gia vào Defi
- Finhay là gì? Có nên đầu tư vào Finhay hay không?
Mong rằng những chia sẻ về Swap là gì có ích cho bạn. Đừng quên Like, Share và ghé thăm GhienCongNghe thường xuyên để có thêm nhiều kiến thức mới mẻ về công nghệ mỗi ngày.