Table of Contents
Ai cần dùng phần mềm giả lập Android?
Có rất nhiều lý do khiến ai đó muốn chạy phần mềm giả lập Android trên máy tính của họ. Phổ biến nhất là những game thủ mobile chạy phần mềm giả lập Android trên máy tính để chơi một số trò chơi dễ dàng hơn. Lợi thế mà họ nhận được từ việc này là có màn hình lớn và khả năng điều khiển linh hoạt của máy tính. Bên cạnh đó họ cũng chơi game được lâu hơn, tập trung hơn vì không phải bận tâm lo điện thoại hết pin nữa.
Trong hầu hết trường hợp, sử dụng phần mềm giả lập Android để chơi game không phải là gian lận hay bất hợp pháp. Vậy nên sẽ không ai chỉ trích nếu bạn làm như vậy. Các phần mềm giả lập Android tốt nhất để chơi game có thể kể tên gồm LDPlayer, Bluestacks, MeMu, KoPlayer và Nox.
Trường hợp sử dụng phổ biến thứ hai là lập trình viên dùng phần mềm giả lập Android để hỗ trợ việc phát triển các ứng dụng, trò chơi. Trước khi phát hành một ứng dụng hay trò chơi nào đó, các nhà phát triển đều muốn thử nghiệm trên nhiều thiết bị nhất có thể để đảm bảo rằng ứng dụng hay trò chơi của họ không gặp lỗi khi hoạt động trên một thiết bị nào đó.
Google có cung cấp một phần mềm ‘chính chủ’ tên là Android Studio cũng đáp ứng tốt nhu cầu giả lập Android để lập trình. Tuy nhiên, Xamarin và Genymotion là hai cái tên khác cũng nên được để ý tới.
Trường hợp sử dụng thứ ba tuy không phổ biến nhưng cũng có đó là những người chạy phần mềm giả lập Android trên máy tính để tận dụng các ứng dụng mạnh mẽ và hoàn toàn miễn phí trên nền tảng hệ điều hành Android nhằm nâng cao năng suất học tập/làm việc. Sở dĩ cách dùng này không phổ biến vì mua một chiếc Chromebook là giải pháp rẻ hơn và ổn định hơn.
Những ai cần sử dụng phần mềm giả lập Android để đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó có thể thử ARChon và Bliss. Đây là hai phần mềm mạnh mẽ cho phép bạn tùy chỉnh và cài đặt nhiều thứ theo cách bạn muốn.
Trước khi bắt đầu tìm hiểu cụ thê hơn, bạn cần biết rằng hầu như không có phần mềm giả lập nào chạy phiên bản Android mới nhất ngoại trừ những phiên bản dành cho nhà phát triển. Chúng luôn luôn trong tình trạng chậm update vì một lý do đơn giản chúng chỉ là giả lập, không phải một chiếc điện thoại Android thật với hàng triệu người dùng. May mắn thay, hầu hết các ứng dụng và trò chơi vẫn hoạt động trên các phiên bản Android cũ hơn nên đây không phải là vấn đề lớn.
15 phần mềm giả lập Android tốt nhất năm 2020
1. LDPlayer
Giá: Miễn phí
LDPlayer là phần mềm giả lập Android dành cho game thủ, hiện đang chạy phiên bản Android Nougat 7.1. Nó có một loạt các tính năng hỗ trợ chơi game, bao gồm điều khiển độ nhạy bàn phím, cảm ứng đa điểm, phóng to một vùng hình ảnh, tốc độ quét khung hình cao và hỗ trợ đồ họa nâng cao. Đây là một trong số ít phần mềm giả lập trong danh sách được cập nhật tích cực gần như hàng tháng. Nó hỗ trợ các trò chơi phổ biến nhất như Garena Free Fire, Clash of Clans, Black Desert Mobile và nhiều trò chơi khác.
2. Android Studio
Giá: Miễn phí
Android Studio là phần mềm lập trình được phát triển bởi chính Google. Nó đi kèm với một loạt công cụ để giúp các nhà phát triển tạo ra ứng dụng và trò chơi dành riêng cho Android. Hóa ra, nó cũng là một phần mềm giả lập Android đúng nghĩa vì bên trong nó tích hợp hợp sẵn trình mô phỏng điện thoại Android để hỗ trợ công đoạn thử nghiệm các ứng dụng và trò chơi. Tuy nhiên, việc thiết lập khá phức tạp và có thể mất nhiều thời gian nếu bạn không phải là dân trong nghề. Do đó, nó không phải là phần mềm chúng tôi muốn giới thiệu cho người dùng bình thường.
3. ARChon
Giá: Miễn phí
ARChon không phải là một phần mềm giả lập Android riêng biệt mà chỉ là một extension (tiện ích mở rộng) của trình duyệt Google Chrome. Vốn dĩ Chrome có khả năng chạy các ứng dụng và trò chơi Android (mặc dù hỗ trợ hạn chế). ARChon tận dụng điều này để tạo ra một chiếc điện thoại Android ảo ngay trên trình duyệt web. Do đó, nó có thể hoạt động với bất kỳ hệ điều hành nào (Mac OS, Linux, Windows, v.v.) miễn là có trình duyệt Chrome. Nhược điểm là bạn sẽ phải cài đặt rất nhiều bước để làm cho nó hoạt động được, bạn phải thiết lập APK để nó tương thích với máy tính của bạn. Ngay bên dưới là liên kết đến trang GitHub chính thức của ARChon, nơi bạn có thể tìm thấy hướng dẫn chi tiết về cách cài đặt và sử dụng phần mềm này. Nếu bạn biết một chút kiến thức về lập trình, cài đặt ARChon sẽ không quá khó đâu nhé.
4. Bliss OS
Giá: Miễn phí
Bliss OS là một phần mềm giả lập Android hơi phức tạp. Nó vừa có thể hoạt động thông qua máy ảo vừa có thể chạy trực tiếp từ một ổ lưu trữ di động bên ngoài (USB, thẻ nhớ, v.v.). Cách thứ nhất đơn giản hơn khuyến nghị với người dùng thông thường, còn cách thứ hai dành cho những bạn có nhiều kinh nghiệm. Tuy khó thực hiện hơn nhưng cách chạy giả lập Android từ ổ lưu trữ di động bên ngoài cho phép máy tính của bạn thực sự biến thành một chiếc điện thoại Android từ khi khởi động, tức là bật máy tính lên sẽ vào hệ điều hành Android chứ không phải vào hệ điều hành Windows, Mac OS hay Linux nữa. Điều đó khiến Bliss OS trở nên độc đáo. Tất nhiên, nó chỉ thực sự chạy tốt nếu máy tính của bạn tương thích. Trên diễn đàn dành cho các lập trình viên, các chủ đề về Bliss OS được cộng đồng thảo luận khá sôi nổi.
5. Bluestacks
Giá: Miễn phí / Trả phí 2 USD mỗi tháng
Bluestacks được biết đến là phần mềm giả lập Android phổ biến nhất. Nó là một trong những phần mềm giả lập Android xuất hiện sớm, hoạt động thực sự tốt mà vẫn được cập nhật thường xuyên. Nó tương thích với cả máy tính Windows và Mac, nhắm vào đối tượng người dùng là các game thủ mobile. Tuy được đông đảo người dùng ủng hộ nhưng cũng có một số người không thích Bluestacks vì phần mềm này khá nặng. Nó là một trong những phần mềm giả lập Android ngốn dung lượng nhất được giới thiệu trong bài viết này. Đổi lại, nó có hầu hết các tính năng mà một phần mềm giả lập Android cần có.
6. GameLoop
Giá: Miễn phí
GameLoop, trước đây có tên là Tencent Gaming Buddy, là một phần mềm giả lập Android dành riêng cho game thủ nhà Tencent. Nếu bạn là fan của các tựa game thuộc sở hữu của Tencent như PUBG Mobile hay Call of Duty: Mobile… thì GameLoop chính là lựa chọn dành cho bạn. Tất nhiên, nó có các trò chơi khác ngoài Tencent, mặc dù bộ sưu tập của nó không lớn như nó có thể. Trình giả lập được tải xuống và cài đặt tốt và các trò chơi chúng tôi đã thử nghiệm chạy tốt. Điều này không tốt cho kiểm tra năng suất hoặc phát triển. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy khi chơi game FPS trên thiết bị di động cùng với một số tựa game, thì đây thực sự là một trình giả lập chơi game khá tốt và nó tự hào có một bộ sưu tập tốt các tựa game mới hơn. Thêm vào đó, các điều khiển bàn phím và hiệu suất tốt.
7. Genymotion
Giá: Miễn phí / Nhiều tùy chọn trả phí
Genymotion là phần mềm giả lập Android dành cho lập trình viên. Nó cho phép bạn giả lập các mẫu điện thoại, máy tính bảng Android khác nhau mà không cần sở hữu chúng. Bạn có thể thiết lập cấu hình cho nhiều thiết bị với nhiều phiên bản Android khác nhau để phù hợp với nhu cầu của mình. Thao tác chuyển đổi giữa các thiết bị ảo cũng dễ dàng thực hiện theo ý muốn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tính năng tuyệt vời nhất của Genymotion là hoạt động trên cloud. Nếu bạn không sở hữu một máy tính có cấu hình đủ mạnh để chạy phần mềm giả lập thì máy chủ của Genymotion sẽ thay thế làm việc đó.
8. MEmu
Giá: Miễn phí
MEmu là một trong những phần mềm giả lập Android mới ra mắt và dường như nó hoạt động khá tốt, hướng tới người dùng là các game thủ. Điểm đặc biệt của MEmu là hỗ trợ cả chipset Intel và AMD. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ chạy song song nhiều phiên bản Android cùng một lúc để hỗ trợ các lập trình viên thử nghiệm ứng dụng của họ. Giống như Bluestacks, MEmu được nhà phát triển cập nhật khá thường xuyên.
9. Nox
Giá: Miễn phí
Nox là một phần mềm giả lập Android khác dành cho game thủ. Nó bao gồm các tính năng hữu ích cho việc chơi game như gán chức năng cho bàn phím máy tính, hỗ trợ bộ điều khiển rời, thậm chí còn có cả tính năng tạo cử chỉ điều khiển. Ví dụ: bạn có thể gán thao tác di chuột qua phải để tạo một hành động trong trò chơi mà không cần tới bộ điều khiển rời. Tính năng này rất hữu ích và dường như hoạt động tốt trong hầu hết trò chơi.
10. Phoenix OS
Giá: Miễn phí
Cùng với MEmu, Phoenix OS là một trong những phần mềm giả lập Android mới ra mắt. Phoenix OS nhắm tới đối tượng người dùng là game thủ. Nó có sẵn Google Play Services, điều đó có nghĩa là bạn có thể tải xuống mọi ứng dụng và trò chơi từ Google Play. Vì còn mới nên Phoenix OS vẫn còn khá nhiều lỗi. Tin vui là bạn có thể theo dõi những bản cập nhật mới nhất từ trang web chính thức của nhà phát triển và trên diễn đàn XDA-Developers.
11. PrimeOS
Giá: Miễn phí
PrimeOS là một phần mềm giả lập Android khác biệt so với phần còn lại. Bạn cài đặt nó trên một phân vùng ổ cứng và khởi động chạy Android ngay từ khi bật máy tính. PrimeOS bao gồm một trung tâm trò chơi, nơi có hầu hết các ứng dụng và trò chơi Android. Đó là một trải nghiệm tập trung vào nhóm người dùng game thủ. Nhưng PrimeOS khá toàn diện, bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó cho công việc. Thành thật mà nói, nó gần như biến máy tính của bạn thành một chiếc Chromebook chạy hệ điều hành ChromeOS. Bạn có thể thực hiện đa nhiệm, xem nội dung video hoặc soạn thảo văn bản tùy ý.
12. Remix OS Player
Giá: Miễn phí
Remix OS Player là một trong những phần mềm giả lập Android đơn giản và dễ sử dụng. Nó chủ yếu phục vụ các game thủ với một vài tính năng dành riêng cho người chơi cùng thanh công cụ có thể tùy chỉnh. Jide – nhà phát triển Remix OS Player tự hào vì phần mềm giả lập Android của họ có thể chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng và trò chơi cùng một lúc. Đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại, Remix OS Player không còn được phát triển tích cực nữa.
13. Xamarin
Giá: Miễn phí / Nhiều tùy chọn trả phí
Xamarin là một IDE (Integrated Development Environment – môi trường để viết code) tương tự như Android Studio. Sự khác biệt là nó có thể kết hợp cùng với những IDE khác như Microsoft Visual Studio để tạo thành một môi trường phát triển lớn hơn. Nó thích hợp để thử nghiệm các ứng dụng và trò chơi, nếu bạn là một lập trình viên đang tìm kiếm một phần mềm giả lập Android để hỗ trợ công việc thì bạn không nên bỏ qua phần mềm này. Xamarin hoàn toàn miễn phí cho mục đích sử dụng cá nhân. Các nhóm người dùng và doanh nghiệp lớn có thể phải thương lượng về việc trả phí để sử dụng.
14. YouWave
Giá: Miễn phí / trả phí 29,99 USD
YouWave là một trong những phần mềm giả lập Android đã tồn tại khá lâu. Phiên bản miễn phí của nó chạy Android cổ lỗ sĩ Ice Cream Sandwich. Bỏ ra 29,99 USD, bạn sẽ có được hệ điều hành Android mới hơn. YouWave không có bất kỳ tính năng hỗ trợ chơi game nào do đó nó là một phần mềm giả lập Android dành cho công việc. Đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại, YouWave không còn được phát triển tích cực nữa.
15. Phần mềm giả lập Android của riêng bạn
Giá: Tùy bạn
Có thể bạn không tin nhưng bạn hoàn toàn có thể tự tạo một phần mềm giả lập Android của riêng mình. Nếu bạn đang dùng máy tính Windows, bạn cần tải xuống VirtualBox. Để đạt được thành quả, tất nhiên bạn sẽ phải trải qua khá nhiều bước cài đặt, tuy nhiên đó cũng là trải nghiệm khá thú vị phải không nào?
Chúng tôi khuyên bạn không nên cố gắng tạo ra một phần mềm giả lập Android trừ khi bạn là một lập trình viên có nhiều kinh nghiệm. Vì ngay cả khi thành công, nó vẫn tiềm ẩn nhiều lỗi phát sinh trong quá trình hoạt động và rất khó để khắc phục những lỗi này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ một hy vọng mong manh rằng sau khi đọc bài viết này, ai đó, một người có khả năng sẽ tạo ra được một phần mềm giả lập Android tốt hơn tất cả những phần mềm kể trên.
Nếu chúng tôi bỏ lỡ bất kỳ phần mềm giả lập Android nào tốt, hãy cho chúng tôi biết trong phần nhận xét. Đừng quên like và share nếu bạn cảm thấy bài viết này có ích. Và hãy nhớ truy cập blog GhienCongNghe thường xuyên để xem thêm các bài viết khác về mẹo vặt tin học căn bản, thủ thuật máy tính và điện thoại…
Tham khảo Android Authority