Table of Contents
Luật pháp ở Liên minh châu Âu buộc các trang web phải giải thích cho người dùng truy cập của họ việc sử dụng Cookie được sử dụng cho mục đích nào. Nếu bạn đang tự hỏi Cookie là gì và những gì phiền phức liên quan tới nó thì GhienCongNghe sẽ giải đáp ở bài viết dưới đây.
Cookie là gì?
Cookie là gì? Là những tệp văn bản chứa các mẫu dữ liệu nhỏ như tên người dùng và mật khẩu, ID người dùng, các thiết lập trang web. Nó được lưu trên máy tính của bạn và được gắn nhãn chứa ID nhận dạng riêng biệt. Lần sau, khi bạn truy cập lại trang web thì các thiết lập trước đó hoặc thông tin đăng nhập sẽ được lấy từ Cookie trên máy tính của bạn mà không cần chờ tải từ trên máy chủ về, bạn không cần phải nhập lại thông tin tài khoản đăng nhập cho lần đăng nhập sau, cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.
Với một số biến thể, Cookie dùng trong trang web được chia làm 2 loại chính:
- Session Cookie hay Cookie phiên là loại Cookie không lưu cục bộ vào bộ nhớ lưu trữ, chỉ được lưu tạm thời vào bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM). Khi một phiên làm việc trên web kết thúc từ việc bạn tắt trang hoặc đi đến trang khác thì Cookie cũng sẽ tự động xóa đi.
- Presistent Cookie thì nó được lưu trữ vĩnh viễn trên bộ nhớ cục bộ, mặc dù vẫn có những loại có thời gian duy trì và được tự động xóa đi khi hết thời hạn.
Presistent Cookie có 2 mục đích chính được sử dụng:
- Xác thực: Cookie này theo dõi người dùng đã dùng tên đăng nhập cho việc truy cập trang web đó hay chưa, từ đó giúp người dùng ghi nhớ tên đăng nhập và mật khẩu cho mỗi lần vào lại trang web mà không cần phải thực hiện thao tác đăng nhập lại.
- Theo dõi: Các Cookie này theo dõi nhiều lần truy cập vào cùng một trang web theo thời gian. Ví dụ, một số trang bán hàng trực tuyến sử dụng cookie để theo dõi lượt truy cập từ những người dùng cụ thể, bao gồm các trang và sản phẩm đã xem. Thông tin họ có được cho phép họ đề xuất các sản phẩm khác có thể khiến người dùng quan tâm. Dần dần, một hồ sơ được xây dựng dựa trên lịch sử duyệt web của người dùng trên trang web đó.
Cookie được dùng làm gì?
Các trang web sử dụng Cookie để tăng trải nghiệm duyệt web của người dùng. Nếu không có Cookie, bạn sẽ phải đăng nhập lại tài khoản mỗi lần rời khỏi trang web đó. Đối với những tín đồ mua sắm Online thì giỏ hàng sẽ không còn lưu bất kì món đồ gì khi bạn lỡ tay đóng trang web đó đi và điều đó thật sự là một điều tồi tệ.
Cookie được lưu trữ ngay tại máy tính của bạn nên nó đem lại lợi ích cho nhà phát triển web về mặt chi phí xây dựng và bảo trì máy chủ. Đem lại trải nghiệm duyệt web nhanh khi không phải chờ đợi phản hồi từ máy chủ quá lâu.
Tại sao Cookie có thể nguy hiểm
Vì dữ liệu trong Cookie không thay đổi, bản thân Cookie không có hại. Chúng không thể lây nhiễm vi-rút hoặc phần mềm độc hại khác trên máy tính. Tuy nhiên, một số cuộc tấn công mạng có thể chiếm quyền kiểm soát cookie và cho phép truy cập vào các lần duyệt web của bạn. Sự nguy hiểm nằm ở khả năng theo dõi lịch sử duyệt web của người dùng từ Cookie.
Mối đe dọa thật sự đến từ Cookie của các bên thứ ba
Một số cookie có thể chứa nhiều mối đe dọa hơn những cookie khác tùy thuộc vào nơi chúng đến.
- Cookie của bên thứ nhất được tạo trực tiếp bởi trang web bạn đang sử dụng. Các trang web này thường an toàn hơn, miễn là bạn đang duyệt các trang web có uy tín hoặc những trang web chưa bị xâm phạm hay chiếm quyền kiểm soát từ kẻ xấu.
- Cookie của bên thứ ba gây rắc rối hơn. Chúng được tạo bởi các trang web khác với các trang mà người dùng hiện đang lướt, thường là do chúng được tạo bởi các trang liên kết với các quảng cáo trên trang đang lướt.
Truy cập một trang web có 10 quảng cáo có thể tạo ra 10 cookie, ngay cả khi người dùng không bao giờ nhấp vào những quảng cáo đó. Cookie của bên thứ ba cho phép các nhà quảng cáo hoặc các công ty phân tích theo dõi lịch sử duyệt web của một cá nhân trên bất kỳ trang web nào có chứa quảng cáo của họ.
Facebook và Google là những ông lớn trong ngành công nghệ sử dụng Cookie để cá nhân hóa quảng cáo cho từng đối tượng người dùng. Đôi khi đem đến sự khó chịu từ các quảng cáo hướng đối tượng, khi thông tin hay sở thích cá nhân bị thương mại hóa và chuộc lợi.
Việc Google Chrome ngăn chặn Cookie bên thứ ba là cứu cánh cho người dùng hay chỉ là màn ăn trọn miếng bánh ngon.
Theo dự tính các bản cập nhật trong tương lai của Google Chrome, trình duyệt web phổ biến nhất thế giới sẽ ngăn chặn các Cookie bên thứ ba. Làm cho việc theo dõi lịch sử duyệt web của hàng tỷ người dùng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng không đơn giản như thế, dù rằng là bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cuối cùng cũng chỉ để phục vụ cho sự độc tôn của Google trong miếng bánh quảng cáo mà thôi.
Apple với trình duyệt web Safari đã có tính năng giới hạn theo dõi Cookie từ năm 2017, Firefox thì chặn Cookie bên thứ ba hoàn toàn từ năm 2019. Đến lượt Google Chrome với tiếng nói trên vị trí dẫn đầu muốn xóa bỏ toàn bộ việc sử dụng Cookie của các bên thứ ba phục vụ cho phân tích thông tin người dùng.
Nhưng thay đổi là cần thiết, việc Google hướng đến một khả năng hướng quảng cáo đến người dùng web không chú trọng sử dụng Cookie mà thay vào đó là dùng thuật toán máy học (AI) để phân tích các nhóm đối tượng người dùng có sở thích giống nhau. Tương tự như cách mà Netflix gợi ý những bộ phim bạn có thể xem tiếp theo vậy. Chủ đề này sẽ được GhienCongNghe phân tích trong các bài viết sau.
Việc bật Cookie giúp rất nhiều trong việc trải nghiệm duyệt web của bạn được tốt hơn như những gì được đưa ra ở đoạn trên. Ngược lại, tắt Cookie sẽ đem lại khá nhiều sự khó chịu cho việc duyệt web như phải đăng nhập lại mỗi lần truy cập,… Nhưng cũng đem lại sự an toàn thông tin quan trọng như số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng.
Trên đây là chia sẻ của GhienCongNghe giải đáp thắc mắc Cookie là gì và lợi ích cũng như những nguy cơ gặp phải khi sử dụng Cookie.
Bạn đọc có thể xem thêm một số bài viết khác của GhienCongNghe giải nghĩa một số thuật khác dưới đây:
- Cache là gì? Xóa bộ nhớ cache có thật sự giúp thiết bị chạy nhanh hơn không?
- Malware là gì? Sao phải đề phòng Malware còn hơn cả Virus máy tính
- 5 phút biết ngay cách dùng CCleaner dọn dẹp máy tính sạch sẽ
Nếu thấy bài viết hữu ích hãy để lại một Like & Share cũng như bình luận ở phía dưới nếu có bất kì thắc mắc nào. Cảm ơn đã theo dõi.
Tham khảo HowToGeek