Table of Contents
Có nhiều nguyên nhân khiến mạng WiFi của bạn chậm cho dù cột sóng nhận tín hiệu trên thiết bị tràn đầy. Lý do có thể đến từ nhà cung cấp internet của bạn đang gặp sự cố, có quá nhiều người truy cập vào WiFi và sử dụng cùng một lúc hoặc đơn giản là cáp quang biển đi quốc tế lại bị sự cố.
Đôi khi cách đơn giản nhất để có thể xử lý tình trạng này đó là khởi động lại modem (bộ định tuyến) WiFi của bạn. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện thì bài viết dưới đây của GhienCongNghe sẽ liệt kê tất cả các vấn đề phổ biến thường gặp nhất khi sóng WiFi mạnh nhưng vào mạng yếu và một số giải pháp khắc phục sự cố này để tăng tốc độ mạng trở lại.
Gói cước internet của bạn có tốc độ thấp
Nếu mạng WiFi nhà bạn chỉ xảy ra hiện tượng chậm và yếu khi có quá nhiều người khác ở nhà đồng thời sử dụng mạng, thì có thể bạn đang sử dụng nhiều băng thông hơn mức cho phép của gói cước internet nhà bạn.
Gói cước internet của bạn cung cấp cho bạn một lượng băng thông tải xuống và tải lên nhất định và nếu bạn sử dụng nhiều hơn hạn mức, bạn sẽ gặp tình trạng tắc nghẽn.
Cách dễ nhất để có giải quyết tình trạng này khi nhà bạn có quá nhiều thành viên sử dụng mạng cùng lúc đó là nâng cấp băng thông gói cước internet nhanh hơn.
Sự cố từ nhà cung cấp internet của bạn
Nhà cung cấp dịch vụ internet của bạn cũng là nguyên nhân phổ biến nếu bạn gặp phải tình trạng mạng chậm cho dù sóng WiFi rất mạnh.
Đó là một tình huống tương tự như ở trên với lưu lượng truy cập internet của tất cả người dùng ở quy mô lớn cùng truy cập một lúc vượt mức cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp mạng.
Nếu tình trạng tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng, nhà cung cấp dịch vụ internet của bạn có thể giảm tốc độ internet trong khu vực của bạn để giảm lưu lượng cho mạng.
Điều này cũng đúng với trường hợp cáp quang biển gặp sự cố khiến kết nối internet đi quốc tế bị tắc nghẽn dẫn đến hiện tượng truy cập vào các dịch vụ nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok giật, lag.
Thật không may, bạn sẽ không thể làm gì được nếu nhà cung cấp internet của bạn gặp sự cố, cách duy nhất là hãy tránh dùng mạng internet tại các khung giờ cao điểm.
WiFi bị nhiễu sóng từ các thiết bị hoặc mạng khác
Các thiết bị hoặc mạng khác xung quanh nhà bạn hoặc gần đó có thể gây nhiễu và ảnh hưởng đến tín hiệu internet của bạn.
Tường, khoảng cách và thậm chí cả lò vi sóng là nguyên nhân chính có thể cản trở tín hiệu Wi-Fi của bạn. Tín hiệu Wi-Fi yếu hơn có nghĩa là tốc độ chậm hơn và thường xuyên bị ngắt kết nối.
Bạn có thể biết liệu nhiễu tín hiệu và tín hiệu Wi-Fi yếu có phải là vấn đề của mình hay không nếu kết nối của bạn hoạt động tốt ở gần bộ định tuyến nhưng cực kỳ chậm khi rời xa khỏi căn phòng nơi đặt thiết bị phát WiFi.
Để khắc phục Wi-Fi yếu, hãy đặt bộ phát WiFi ở nơi có càng ít rào cản vật lý càng tốt (treo lên tường, đặt ở giữa nhà,…). Tường, sàn nhà, trần nhà, cửa ra vào, đồ nội thất lớn và các vật cản tương tự có thể cản trở tín hiệu Wi-Fi của bạn và làm giảm tốc độ kết nối.
Ngoài ra, cần đặt bộ phát WiFi tránh xa các thiết bị khác có thể gây nhiều sóng WiFi bao gồm: lò vi sóng, loa Bluetooth, màn hình TV, bếp từ…
Thiết bị hoặc phần mềm lỗi thời
Có thể vấn đề không nằm ở kết nối internet của bạn, rất có thể là do thiết bị bạn đang sử dụng hàng ngày. Máy tính, máy tính bảng, điện thoại của bạn có thể đã lỗi thời và không có khả năng xử lý tốc độ Wi-Fi nhanh như hiện nay.
Nếu bạn gặp vấn đề về tốc độ trên máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay, nhưng lại không gặp nó trên điện thoại di động. Điều này chứng tỏ thiết bị của bạn đã quá cũ và phần cứng không đáp ứng tốt nhu cầu dùng mạng của bạn nữa.
Cách duy nhất bạn có thể làm với các thiết bị cũ đã lỗi thời đó là nâng cấp lên một sản phẩm mới hơn, có cấu hình mạnh hơn.
Ngoài ra, phần mềm cũng là nguyên nhân phổ biến làm kết nối mạng của bạn chậm. Dưới đây là những thứ có thể làm chậm kết nối mạng trên thiết bị của bạn:
- Quá nhiều ứng dụng đang chạy nền
- Quá nhiều tab trình duyệt đang mở
- Phần mềm hệ thống lỗi thời
- Trình điều khiển (Drivers) lỗi thời
Hãy thử tắt nguồn và bật lại thiết bị của bạn, điều này sẽ giúp làm sạch lại bộ nhớ tạm của thiết bị và đóng tất cả các ứng dụng nền có thể gây tốn tài nguyên thiết bị.
Thay đổi băng tần kết nối WiFi
Bạn có biết WiFi hiện nay đa số đều có 2 băng tần phát là 2.5Ghz và 5.0Ghz, cả 2 băng tần này đều có ưu và nhược điểm riêng. Trong đó, băng tần 2.5Ghz có độ tương thích cao, phát được khoảng cách xa hơn 5.0Ghz, nhưng xét về tốc độ và độ trễ thì thua 5.0Ghz rất nhiều.
Hãy thử chuyển đổi qua lại giữa 2 băng tần này trên thiết bị của bạn và xem kết quả có khả quan hơn không nhé.
Tắt dịch vụ VPN trên thiết bị
Dịch vụ VPN hay còn gọi là mạng cá nhân ảo (Virtual Private Network). Là dịch vụ cung cấp dịch vụ ẩn danh trên mạng bằng việc tạo ra một địa chỉ truy cập mạng (IP) ảo trên Internet. Nhờ đó, người dùng có thể truy cập vào các dịch vụ bị hạn chế tại một số khu vực hoặc quốc gia.
Một nhược điểm của VPN đó là khiến cho tốc độ truy cập internet của bạn chậm đi, nguyên nhân là do VPN sẽ chuyển tiếp yêu cầu của bạn đến máy chủ VPN rồi sao đó mới gửi đến cho một dịch vụ hay trang web nào đó, sau đó VPN tiếp tục tiếp nhận phản hồi từ trang web rồi gửi lại cho bạn.
Nếu bạn đang sử dụng một dịch vụ VPN như vậy, có thể là 1.1.1.1 hoặc các phần mềm VPN, hãy tắt chúng đi và kiểm tra lại tốc mạng mạng của mình đã được cải thiện chưa nhé.
Nhìn chung, có rất nhiều nguyên nhân khiến sóng WiFi mạnh nhưng vào mạng yếu và chậm, điều này có thể gây khó chịu cho nhiều người nhưng hãy bình tĩnh lại và làm theo một vài giải pháp ở trên xem tốc độ internet của bạn có được cải thiện không nhé.
Nếu thấy bài viết này hay và hữu ích, hãy LIKE & SHARE để ủng hộ GhienCongNghe tiếp tục phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ những người có cùng vấn đề giống bạn nhé.